11:45 10/11/2010

Dự toán ngân sách Nhà nước 2011 có gì đáng chú ý?

Nguyên Hà

Nội dung chính của nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011, vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (10/11)

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về con số thực của bội chi ngân sách Nhà nước khi thảo luận - Ảnh CTV.
Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về con số thực của bội chi ngân sách Nhà nước khi thảo luận - Ảnh CTV.
Mặc dù Chính phủ đề nghị bội chi ngân sách Nhà nước năm 2011 là 5,5% GDP, tuy nhiên, mức bội chi không quá 120.600 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP mới là con số được "chốt" tại nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011, vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (10/11).

Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 595.000 tỷ đồng, tương đương 26,2% tổng sản phẩm trong nước. Tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2010 sang năm 2011, thì tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 605.000 tỷ đồng. Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước là 725.600 tỷ đồng.

Sớm trình Quốc hội chỉ tiêu quản lý nợ công


Về bội chi ngân sách, mặc dù, quá trình thảo luận và xin ý kiến, nhiều vị đại biểu cho rằng dư nợ Chính phủ, dư nợ quốc gia đang ở mức cao, đề nghị giảm mức bội chi xuống dưới 5% GDP.

Song, “qua làm việc, các cơ quan hữu quan của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và tiếp tục rà soát để điều chỉnh giảm mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2011 không quá 120.600 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP, trên cơ sở tăng thêm thu ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ đồng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển giải trình.

Trường hợp thu ngân sách nhà nước tăng so với dự toán, số vượt thu ngân sách trung ương sử dụng ít nhất 30% để giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về phương án phân bổ cụ thể số vượt thu ngân sách trung ương, so với số đã báo cáo Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Kết quả biểu quyết riêng chỉ tiêu này, có 380/397 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 77,08%, 14 vị đại biểu không tán thành, 3 vị không thể hiện chính kiến

Về con số bội chi ngân sách Nhà nước năm 2010, Chính phủ dự kiến sẽ sử dụng khoảng 10.000 tỷ đồng để tăng chi trả nợ, nhằm giảm số nợ Chính phủ, và dành 3.600 tỷ đồng để giảm bội chi xuống mức 5,95% GDP (theo nghị quyết của Quốc hội là 6,2% GDP).

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chấp thuận sử dụng một phần số vượt thu ngân sách Trung ương để giảm xuống mức 5,8% GDP, góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia trong những năm tới vững chắc hơn.

Đa số đại biểu Quốc hội cũng đồng ý năm 2011 phát hành 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án, công trình trong danh mục do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Tại nghị quyết, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn, phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta và sớm trình Quốc hội các chỉ tiêu quản lý nợ công theo Luật Quản lý nợ công.

Tăng lương tối thiểu lên 830.000 đồng từ 1/5/2011

Nghị quyết nêu rõ, từ ngày 1/5/2011, điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 730 nghìn đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng; lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công bằng tốc độ tăng lương tối thiểu; thực hiện chế độ phụ cấp công vụ 10%; phụ cấp thâm niên ngành giáo dục.

Tuy nhiên, mức tăng này, góp ý về dự thảo nghị quyết, có đại biểu cho rằng tăng lương lên mức 830.000 đồng/tháng thì công chức không đủ tái sức lao động, không bù đắp được sự tăng giá. Nên nghiên cứu, cải cách triệt để tiền lương, nếu để như hiện nay thì phải tăng lên 930.000 đồng/tháng là ít nhất.

Một số ý kiến đề nghị thời gian tăng lương dài hơn tránh tình trạng tăng lương thì giá cả tăng nhanh; lương danh nghĩa và thực tế đều giảm.

Tại báo cáo giải trình tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội tạm thời chấp thuận trong năm 2011 thực hiện 15 chương trình mục tiêu Quốc gia như Chính phủ trình; đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát kỹ từng chương trình để xác định cho cả giai đoạn 2011-2015, báo cáo cụ thể với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất trong năm 2011 gắn với báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015.

Đề nghị này cũng được đa số đại biểu đồng tình khi thông qua toàn bộ nghị quyết.

Nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm để thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011, Quốc hội yêu cầu  thực hiện chính sách tài khoá thận trọng, kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước. Xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020, tầm nhìn 2030, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu về kinh tế - xã hội năm 2011.

Quốc hội cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, kể cả các khoản vay trong và ngoài nước.

Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc sử dụng ngân sách, tài sản và nguồn vốn khác của Nhà nước, nghị quyết nêu rõ.