17:59 29/09/2016

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể vận hành từ tháng 9/2017

Hồng Vân

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, đến tháng 9/2017, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có thể khai thác được

Một góc dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.<br>
Một góc dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.<br>
Trả lời báo giới tại cuộc họp báo quý 3/2017 của Bộ Giao thông Vận tải hôm 29/9, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến tháng 9/2017, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có thể khai thác thương mại được.

Cụ thể, hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang mời công ty thẩm định giá của Bộ Tài chính để thẩm định giá toàn bộ gói thiết bị bao gồm hệ thống tàu, đường ray, hệ thống thông tin tín hiệu, nhà xưởng,…

Được biết, gói thiết bị đang đàm phán này trị giá xấp xỉ 200 triệu USD và đang được kiểm tra xem có đáp ứng công nghệ tiên tiến mới nhất đối với đường sắt trên cao, đáp ứng công nghệ tự động hóa cao, đặc biệt trong hệ thống thông tin tín hiệu và đáp ứng được giá cả hay không.

Phía nhà thầu Trung Quốc cũng rất mong muốn Việt Nam sớm thẩm định xong để đàm phán với Trung Quốc để trên cơ sở đó để họ đấu thầu, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết.

“Nếu đúng tiến độ, sẽ đấu giá và mua sắm toàn bộ thiết bị khi hết quý 1/2017. Thêm 3 tháng lắp đặt là đến tháng 6/2017 và chạy thử trong 3 tháng nữa, có nghĩa là đến tháng 9/2017 thì khai thác thương mại được”, Thứ trưởng Trường nói và cho biết tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hoàn toàn dựa trên công nghệ chuyển giao và phương thức thi công từ nhà thầu Trung Quốc.
 
Thứ trưởng còn cho biết, chúng ta đã kiểm soát cơ bản được tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với nhà thầu Trung Quốc và khẳng định đến cuối năm 2016 này toàn bộ vấn đề thiết kế chính của dự án, hệ thống dầm chủ, hệ thống nhà ga, đề mô liên quan đến bê tông nói chung sẽ cơ bản hoàn thành. Tiến độ này hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Khởi công từ tháng 10/2009, với tổng mức đầu tư ban đầu là 586 triệu USD, dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được phía Trung Quốc cho vay vốn theo ưu đãi và thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, nghĩa là các nhà thầu dự án sẽ là của chính nước cho vay vốn.

Khi thực hiện dự án này vào năm 2009, nhưng đến năm 2013, phía Trung Quốc đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư toàn bộ gói vật tư thiết bị, sau đó phía Việt Nam và Trung Quốc đã tính toán lại rằng phải bổ sung thêm khoảng 250,62 triệu USD mới đủ cho dự án này.

Thứ trưởng Trường cũng cho biết, vừa qua các thủ tục pháp lý cho việc vay vốn đã được cấp đủ. Nhân chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Giao thông Vận tải cũng như Bộ Tài chính đã nhất trí đề xuất đưa hạng mục này vào để ký vay vốn bổ sung để hoàn thành dự án một cách tốt nhất.