08:47 14/09/2017

Đường sắt Việt muốn vay hơn 4.600 tỷ vốn ưu đãi để “đổi mới”

Kiều Linh

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam muốn được vay VDB hơn 4.600 tỷ đồng để đầu tư mua đầu máy, toa xe mới

Đường sắt Việt Nam trước áp lực cạnh tranh từ hàng không, đường bộ, buộc phải đổi mới.
Đường sắt Việt Nam trước áp lực cạnh tranh từ hàng không, đường bộ, buộc phải đổi mới.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản trình Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án đầu tư, vay vốn tín dụng của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để thực hiện đầu tư các dự án đầu máy, toa xe mới từ nay đến năm 2020.

Cụ thể, theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị này đặt mục tiêu đến năm 2021 thay toàn bộ toa xe cũ, đóng toa mới. Đầu tư 100 đầu máy mới bởi hiện nay có những đầu máy chi phí chênh lệch nhiên liệu trong khoảng 5 năm sẽ đủ mua một đầu máy khác. Trong 100 đầu máy này sẽ mua 50 đầu máy và tự đóng mới 50 đầu máy.

Với số vốn hơn 4.600 tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt sẽ đầu tư 100 đầu máy mới (2.164 tỷ đồng), 150 toa xe khách (1.674,5 tỷ đồng), 300 toa xe vận chuyển container (270 tỷ đồng) và 500 toa xe có tốc độ chạy dưới 60 km/giờ (550 tỷ đồng).

Trong đó, vốn đối ứng của Tổng công ty và các công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn là 1.397 tỷ đồng (chiếm 30%), số tiền còn lại 3.261 tỷ đồng (chiếm 70%) là vốn vay ngân hàng.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Vũ Anh Minh cho biết, thời gian qua, khách hàng “quay lưng” rời bỏ vận tải đường sắt là do chất lượng dịch vụ, trong đó có chất lượng phương tiện. Đầu máy, toa xe quá lạc hậu, dẫn đến giảm sức kéo, sức chở cũng như không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Chính vì vậy, việc thay thế những đầu máy già cỗi đang là nhu cầu cấp thiết của ngành đường sắt. Chất lượng phục vụ có thể cải thiện được nhưng muốn nâng cao chất lượng phương tiện thì phải đầu tư. Vì vậy, mục tiêu của đường sắt là hiện đại hóa và thay thế dần các đầu máy, toa xe cũ, lạc hậu để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Đồng thời, với những đầu máy mới còn giảm tiêu hao nhiên liệu, chi phí bảo trì, sửa chữa để giảm giá thành vận tải. Từ đó, nâng sức cạnh tranh của vận tải đường sắt, thu hút khách hàng.

Về lý do đề nghị được vay vốn từ VDB, ông Vũ Anh Minh cho biết, nếu vay vốn ngân hàng thương mại sẽ chịu lãi suất cao, thời gian vay vốn ngắn nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, trong khi lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam ổn định, thời gian vay vốn dài, doanh nghiệp có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm tiền vay.

Tuy nhiên, hiện các dự án của Tổng công ty không thuộc đối tượng vay vốn tại VDB nên khó tiếp cận nguồn vốn vay này. Vì vậy, để đáp ứng kịp thời việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng như ngành đường sắt, Tổng công ty Đường sắt đề xuất Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ chấp thuận để các dự án đầu tư ngành đường sắt được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại VDB.