06:00 07/11/2013

EuroCham lạc quan với triển vọng kinh tế vĩ mô

Lê Hường

Các doanh nghiệp đến từ châu Âu tiếp tục thể hiện sự lạc quan đối với triển vọng kinh tế vĩ mô tại Việt Nam

Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) hàng quý.
Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) hàng quý.
Ngày 6/11, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) hàng quý được thực hiện trong tháng 10. Kết quả khảo sát cho thấy mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tiếp tục giữ nguyên so với quý 3 - duy trì ở mức trung bình, 50 điểm.

Các doanh nghiệp đến từ châu Âu tiếp tục thể hiện sự lạc quan đối với triển vọng kinh tế vĩ mô, với 47% mong chờ một sự “ổn định và cải thiện” của tình hình hiện tại và 35% cho rằng sẽ không có sự thay đổi nào. Một số doanh nghiệp tiếp tục tỏ ra quan ngại về ảnh hưởng từ việc thay đổi các luật lệ trong tương lai.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết có kế hoạch gia tăng đầu tư và đơn đặt hàng trong tương lai, từ đó tác động tích cực đến kế hoạch tuyển dụng. Một chuyển biến tích cực khác là theo dự đoán của các doanh nghiệp tham gia khảo sát, tình trạng lạm phát sẽ giảm tác động lên hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam.

Nhìn chung, so với quý trước, không có một sự thay đổi đáng kể nào về đánh giá của các doanh nghiệp tham gia khảo sát đối với tình hình kinh doanh hiện tại, với 38% doanh nghiệp đánh giá tích cực về tình hình kinh doanh hiện tại.

Tuy nhiên, chỉ số này đã phần nào được cải thiện so với năm ngoái - khi mà BCI nằm ở mức thấp nhất, 45 điểm. Số lượng các doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá tiêu cực về tình hình kinh doanh hiện tại đã giảm xuống còn 24% so với 28% của quý trước.

Về triển vọng kinh doanh, số lượng các doanh nghiệp tham gia khảo sát đưa ra đánh giá tích cực đã giảm xuống còn 44% sau hai quý tăng liên tiếp trước đó. Sự thay đổi này là điều đáng lo ngại, cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam cần tiếp tục phải được cải thiện để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nếu so với tỷ lệ 26% của năm ngoái, thì đây lại có thể được coi là một dấu hiệu tích cực.

Các kế hoạch đầu tư được báo cáo trong khảo sát có khuynh hướng tăng, với 41% các doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam, so với 34% của quý trước. Hơn nữa, số lượng các doanh nghiệp tham gia khảo sát dự định “tăng đáng kể đầu tư” đã tăng gấp đôi từ 8% của quý trước lên 16% trong quý này.

Tương ứng với chuyển biến này, số lượng các đơn đặt hàng dự kiến sẽ tiếp tục tăng, lên mức 67% (so với 61% và 53% của hai quý trước). Chỉ có 14% các doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán sẽ có sự sụt giảm về các đơn hàng. Con số này giảm mạnh so với con số 36% của năm ngoái.

Báo cáo của EuroCham cũng cho rằng, việc chuyển biến tích cực trong kế hoạch đầu tư và gia tăng các đơn hàng sẽ tác động tích cực tới kế hoạch tuyển dụng. 47% các doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến tiếp tục có sự gia tăng nhân sự. Điểm đáng lưu ý là số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến có sự sụt giảm nhân sự đã giảm từ 23% của quý trước - tương đương với tỷ lệ năm ngoái - xuống còn 15% trong quý này.

Lạm phát không còn là vấn đề đáng lo ngại đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, bởi họ cho rằng những kế hoạch do Chính phủ Việt Nam triển khai nhằm giảm lạm phát đã phát huy tác dụng.

Điều này được thể hiện rõ qua kết quả của BCI: chỉ có 29% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng lạm phát có “tác động đáng kể và nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh”, giảm đáng kể so với 43% của quý trước và 50% của năm ngoái.

Các doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng được yêu cầu đưa ra dự đoán về tỷ lệ lạm phát, và con số trung bình được các doanh nghiệp đưa ra là 4,69%. So với con số dự đoán 5,94% trong năm ngoái, thì đây có thể được xem là một dấu hiệu tích cực.

Chia sẻ về cuộc khảo sát, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham cho biết: “Điều đáng lo ngại là Chỉ số Môi trường kinh doanh của EuroCham lần thứ 3 liên tiếp đạt mức 50. Hơn nữa, cũng cần phải lưu ý rằng vẫn có nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát lo ngại rằng sự thay đổi của luật lệ có thể sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ trong năm 2014”.

Nhận định của người đứng đầu EuroCham tại Việt Nam cho thấy sự cần thiết phải tham vấn quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình làm luật nhằm tránh tình trạng phản tác dụng khi thực thi các quy định.

Cuối cùng, một điều quan trọng đáng lưu ý chính là một số lượng lớn các doanh nghiệp tham gia khảo sát mong đợi Chính phủ Việt Nam cân nhắc các kiến nghị trong Sách Trắng 2014, sẽ được công bố vào ngày 11/11 tới.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)