21:31 31/08/2016

Gần 4.000 người thôi quốc tịch Việt, vì sao?

Ngô Trang

Người phát ngôn Chính phủ lý giải việc gần 4.000 người xin thôi quốc tịch Việt, trong khi số xin nhập chỉ dưới 30 người

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo chiều 31/8.<br>
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo chiều 31/8.<br>
“Nếu so với con số hàng chục nghìn cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài thì con số gần 4.000 người xin thôi quốc tịch Việt Nam để theo chồng vẫn là số nhỏ bé”.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã khẳng định như vậy trước câu hỏi của báo giới về việc trong năm 2015 có gần 4.000 người Việt Nam xin thôi quốc tịch để nhập quốc tịch của quốc gia khác, trong khi chỉ có 29 người xin nhập quốc tịch Việt.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối 31/8, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, việc xin nhập - thôi quốc tịch là quyền của mỗi công dân đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Do đó, các cơ quan chức năng phải thực hiện quyền của người dân trên cơ sở tuân thủ luật định.

Lý giải con số chênh lệch khá lớn giữa xin nhập - thôi quốc tịch Việt Nam trong năm 2015 nói trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, số xin thôi quốc tịch đa số là cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài.

Trong khi đó, theo quy định của một số nước, khi nhập quốc tịch của họ phải thôi quốc tịch của quốc gia khác, cũng có một số quốc gia lại không bắt buộc điều này.

“Việc các cô dân xin thôi quốc tịch Việt Nam là để thuận lợi hơn trong làm ăn, sinh sống. Đa phần trong số xin thôi này hiện cũng đang sinh sống ở nước ngoài”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, gần đây có một số cá nhân, doanh nhân nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn giữ hoặc xin giữ quốc tịch Việt Nam.

Do đó, hiện Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan rà soát lại các quy định liên quan đến quốc tịch, nhập cảnh. Nếu cần thiết sửa đổi, điều chỉnh sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét để sửa luật, Bộ trưởng Dũng thông tin.