08:49 17/10/2016

GDP hụt đích: Chưa rõ nguyên nhân chủ quan

Nguyễn Lê

GDP 2016 không đạt kế hoạch, báo cáo của Chính phủ chủ yếu đề cập đến nguyên nhân khách quan mà chưa phân tích rõ về nguyên nhân chủ quan

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh một số ý kiến, việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra.<br>
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh một số ý kiến, việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra.<br>
GDP 2016 không đạt kế hoạch, báo cáo của Chính phủ chủ yếu đề cập đến những nguyên nhân khách quan mà chưa phân tích rõ về những nguyên nhân chủ quan.
 
Ý kiến này được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh tại báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016.
 
Đây là một trong số nhiều nội dung được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong ngày 17/10.
 
GDP tăng 6,3-6,5% cũng chỉ là kỳ vọng
 
Chỉ tiêu được Quốc hội quyết định là 6,7% nhưng ước thực hiện tăng GDP chỉ có thể đạt 6,3% đến 6,5%, theo báo cáo của Chính phủ.
 
Nhưng để đạt được mức này thì mức tăng GDP quý 4 phải cao hơn nhiều các quý trước (tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 5,93%).
 
Chính phủ dự báo những yếu tố tác động để điều này thành hiện thực là dư địa chính sách tài khóa (phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch), nông nghiệp tăng trưởng cao hơn, số doanh nghiệp quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao, thu hút vốn FDI tăng và quy luật GDP quý cuối bao giờ cũng tăng cao hơn các quý trước...

Nhưng, theo một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra thì những yếu tố này hầu hết là chưa chắc chắn, chưa định lượng được cụ thể. Do đó, kết quả ước thực hiện cả năm GDP tăng 6,3-6,5% cũng chỉ là kỳ vọng và sẽ rất khó để đạt được.
 
Có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, GDP không về đích, nhưng báo cáo của Chính phủ chủ yếu đề cập đến những nguyên nhân khách quan mà chưa phân tích rõ về những nguyên nhân chủ quan.
 
Theo một số ý kiến, việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra.
 
Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu thu và chi ngân sách chưa hợp lý, nợ xấu chưa được xử lý thực chất. Như vậy cần đánh giá kỹ hơn về nhận định kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

GDP 2017 vẫn 6,7% là "chưa thuyết phục"


Trong kế hoạch năm sau, Chính phủ dự kiến tăng trưởng GDP 6,7%, tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội 31% GDP, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 6-7%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%...
 
Cơ quan thẩm tra đề nghị cần báo cáo rõ cơ sở xây dựng, tính khả thi của cá chỉ tiêu trên để bảo đảm phản ánh đúng tình hình Việt Nam.

Uỷ ban Kinh tế phân tích, năm 2016, GDP ước thực hiện đạt 6,3-6,5% trong khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước 32,5% GDP trong khi GDP kế hoạch năm 2017 là 6,7% và tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến là 31% GDP.

Trong bối cảnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu và vai trò của yếu tố vốn đối với tăng trưởng vẫn ở mức đáng kể, việc giảm tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP (1,5%) trong khi các nguồn lực tăng trưởng khác (chất lượng lao động, khoa học công nghệ) chưa thể thay đổi đột biến sẽ khó đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2017 cao hơn năm 2016 với mức chênh lệch từ 0,2-0,4% như dự kiến của Chính phủ.

Vẫn theo cơ quan thẩm tra, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa kế hoạch năm 2017 (6,07-6,69%) thấp hơn so với số liệu ước thực hiện năm 2016 (6,7%) trong khi GDP kế hoạch năm 2017 (6,7%) dự kiến cao hơn ước thực hiện năm 2016 (6,3 - 6,5%) là chưa thực sự thuyết phục.

Trong khi xu hướng tăng các yếu tố tiêu dùng, đầu tư của tư nhân chưa rõ ràng, chi tiêu của Chính phủ bị hạn chế do vấn đề bội chi ngân sách, nợ công tác động.
 
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, tỷ lệ nhập siêu so với giá trị xuất khẩu hàng hóa trong kế hoạch năm 2017 là 3,5% (cao hơn chỉ tiêu 3,3% trong kế hoạch năm 2016) trong khi tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa kế hoạch năm 2017 chỉ là 6,07-6,69% (thấp hơn chỉ tiêu 10% trong kế hoạch năm 2016) chưa phù hợp với thực trạng của kinh tế Việt Nam thời gian qua là hoạt động xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các yếu tố đầu vào.