09:54 01/07/2010

“GDP năm nay tăng 6,5% không khó, nếu...”

Anh Quân

Nhìn nhận của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh về tình hình kinh tế 6 tháng

Thứ trưởng Cao Viết Sinh - Ảnh: Anh Quân.
Thứ trưởng Cao Viết Sinh - Ảnh: Anh Quân.
Đi hết hai quý đầu năm 2010, GDP chưa đạt đến tốc độ tăng trưởng như mục tiêu dự kiến.

Liệu sự ổn định của chỉ tiêu lạm phát, tỷ giá, lãi suất… có thể là “bệ phóng” cho tăng trưởng trong nửa còn lại của năm? Cán cân thanh toán với nỗi lo “bắc cầu” từ 2009 có trở nên mong manh?

Khẳng định tăng trưởng GDP cả năm đạt mức 6,5% không khó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đồng thời giải pháp phần nào các thắc mắc kể trên.

Tăng trưởng GDP hai quý đầu năm nay đã không đạt được mục tiêu đề ra. Vậy khả năng đạt được mức 6,5% vào cuối năm có vượt ngoài tầm với, theo ông?

Tôi thấy, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm đã có nhiều diễn biến tích cực, thực hiện có kết quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Nền kinh tế phục hồi khá nhanh trong nửa đầu năm 2010. Cụ thể, quý 1/2010 tăng trưởng kinh tế đạt 5,8%, sang quý 2 đạt được 6,4%, và tính chung cả 6 tháng đạt 6,16%. Xin lưu ý là con số này cùng kỳ năm 2009 chỉ đạt 3,87%.

Đây là mức tăng trưởng rất ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, nói lên sự cố gắng của doanh nghiệp, của người dân, từ sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, nói lên sự quyết liệt điều hành của Chính phủ.

Tuy 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng không có nghĩa là cả năm sẽ không đạt. Theo dự báo của chúng tôi, kinh tế năm nay tăng trưởng quý sau sẽ cao hơn quý trước, cũng theo thông lệ các năm phục hồi kinh tế. Cho nên, GDP năm nay tăng 6,5% không khó, nếu các biện pháp đưa ra trong Nghị quyết 03 và Nghị quyết 18* của Chính phủ thực hiện tốt.  

Nếu nhìn trên con số đóng góp vào tăng trưởng, giá trị gia tăng một số ngành, lĩnh vực mà đặc biệt là công nghiệp chế biến ngày càng giảm. Điều này có thể hiểu thế nào?

Đúng là nhìn từ khía cạnh đóng góp cho tăng trưởng, giá trị gia tăng của một số ngành có giảm sút. Hay nói cách khác, có sự gia tăng khoảng cách giữa tốc độ tăng giá trị sản xuất và tốc độ tăng giá trị gia tăng của ngành, cụ thể ở đây là lĩnh vực công nghiệp chế biến.

Tình hình trên là do trong năm nay, giá đầu vào của công nghiệp chế biến tăng cao, chỉ số giá sản xuất cao hơn chỉ số giá tiêu dùng, làm cho chi phí trung gian chiếm tỷ trọng lớn hơn các năm trước, trong khi giá đầu ra của công nghiệp chế biến tăng không tương xứng. Điều đó dẫn đến giá trị gia tăng có tốc độ tăng chậm lại so với các năm.

Có thể hiểu rằng hiệu quả nền kinh tế đang kém đi?

Theo tính toán của các nhà khoa học, tăng trưởng GDP dựa vào yếu tố vốn 52-53%, yếu tố lao động chiếm 19-20%, còn yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) chiếm 28-29%, trong khi, yếu tố này ở một số nước trong khu vực chiếm tới 35-40%.

Điều đó nói lên một điều là nền kinh tế nước ta chưa dựa nhiều vào năng suất lao động, khoa học công nghệ… Trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào vốn đầu tư.

Vậy nhìn trên kết quả thực tế 6 tháng đầu năm, ông nhận xét thế nào về nhân tố vốn tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế? Hiệu quả đầu tư như thế nào?

Trong điều kiện như nước ta, đang ở trình độ phát triển thấp, nhu cầu đầu tư lớn, nhất là đầu tư cho lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, thì phải chấp nhận hệ số ICOR cao trong một thời gian nhất định của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Quay trở lại tình hình 6 tháng đầu năm nay, kết quả đầu tư xã hội có dấu hiệu khả quan, tổng đầu tư tăng 13,4% so với cùng kỳ, trong đó vốn nhà nước tăng 17,8%, vốn ngoài nhà nước tăng 9%. Đầu tư so với GDP 6 tháng là khá cao, nhưng không nên lấy số liệu đầu tư 6 tháng để tính ICOR, vì hệ số ICOR dùng để tính cho cả giai đoạn 3-5 năm mới có thể so sánh cho giai đoạn trước.

Đúng là trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều nước đều có tình trạng hệ số ICOR cao. Đối với nước ta tình hình tới đây sẽ khác, khi kinh tế phục hồi, có tốc độ tăng trưởng 7-8%/năm.  

Nhân nói đến hiệu quả, trong nửa đầu năm 2010, giá nhiều loại hàng hóa xuất khẩu tăng chậm hơn rất nhiều nguyên, nhiên liệu đầu vào nhập khẩu. Có thể cho rằng xuất khẩu không hỗ trợ cho tăng trưởng?

Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, xuất khẩu vẫn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì qua xuất khẩu sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển, cũng như đầu tư và tiêu dùng trong nước, góp phần rất quan trọng vào tăng trưởng GDP.

Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta chiếm 160% GDP, Cho nên, đây là nhân tố lớn, tác động nhiều đến GDP.

Xin hỏi ông, nhập siêu đang gia tăng trong nửa đầu năm 2010, vậy cán cân thanh toán có xấu thêm so với cuối năm 2009? Các nguồn vốn khác có đủ cân đối?

Cán cân xuất nhập khẩu và giải ngân nguồn vốn FDI, cũng như giải ngân ODA… đều có ảnh hưởng đến cán cân thanh toán tổng thể (BOP).

Năm 2009, khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp vào nền kinh tế khoảng 18-19% GDP, có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế. Việc giải ngân 6 tháng đầu năm 5,4 tỷ USD có ý nghĩa rất lớn, giúp giảm áp lực thâm hụt cán cân thanh toán, cũng như tạo thuận lợi hơn cho việc điều hành tỷ giá linh hoạt.

Vậy ông dự báo kịch bản kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ như thế nào?

Từ nay đến cuối năm, có thể có những diễn biến chưa lường hết, như cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp và đang lan ra một số nước Châu âu. Tác động đến nước ta, nó làm giảm kim ngạch xuất khẩu, và đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU có thể chậm lại…

Tuy nhiên, xu hướng chung là thuận lợi. Theo tôi dự kiến, GDP 6 tháng cuối năm sẽ tăng trong khoảng 6,9-7,2%. Nếu đạt được như vậy thì cả năm tốc độ GDP sẽ đạt trên 6,5%, thậm chí khoảng 6,7%. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đều đánh giá GDP Việt Nam có nhiều khả năng tăng trên 6,5%.

* Nghị quyết 03/NQ-CP, được Chính phủ ban hành ngày 15/1/2010, đưa ra các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, trong đó có các giải pháp về điều hành chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, thận trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nhập siêu và ngăn lạm phát cao.

Nghị quyết 18/NQ-CP, được Chính phủ ban hành ngày 6/4/2010, đưa ra 6 giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010, bao gồm: tập trung kiềm chế lạm phát; thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm ổn định, an toàn của hệ thống tài chính - ngân hàng; tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội.