12:29 04/10/2016

“GDP tăng 6,5% là khó, nhưng không phải là không thể”

Bảo Quyên

Nếu quý 4/2016 tăng trưởng như quý 3 là 6,4%, thì cả năm 2016 tăng trưởng chỉ đạt 6%

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phiên họp tháng 9 của Chính phủ.<br>
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phiên họp tháng 9 của Chính phủ.<br>
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế GDP cả năm 6,5% dường như đang là một thách thức cho cả hệ thống chính trị khi mà số liệu cả 3 quý vừa qua dường như không đủ lực để giúp chúng ta có thể cán đích một cách thuận lợi.

Trong ngày làm việc thứ hai phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ, sáng 4/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm.

Theo đó, mặc dù còn nhiều khó khăn hạn chế, nhưng nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 3,14% so với tháng 12/2015.

Tăng trưởng GDP quý 3 tăng mạnh so với 2 quý trước (đạt 6,4%), 9 tháng đạt 5,93%. Khu vực nông nghiệp có bước phục hồi khá. Khu vực dịch vụ, du lịch, khách quốc tế tăng mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 128,2 tỷ USD, xuất siêu hơn 2,7 tỷ USD.

Mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng khá.

Đáng chú ý, phát triển doanh nghiệp chuyển biến tích cực. Trong 9 tháng, có 81.451 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 629.000 tỷ đồng, tăng hơn 19% về số doanh nghiệp và tăng khoảng 50% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng có hơn 9.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu quý 4/2016 tăng trưởng như quý 3 là 6,4%, thì cả năm 2016 tăng trưởng chỉ đạt 6%. Còn nếu tăng trưởng tương đương quý 4/2015 là 7% thì cả năm 2016 tăng 6,3%.

Bộ trưởng Dũng cho rằng, để tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, thì quý 4 phải tăng 7,7%, và để đạt được con số này phải có sự nỗ lực cao thì tăng GDP cả năm mới có thể đạt khoảng 6,3 - 6,5%.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 tháng cuối năm, còn một số dư địa về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2016, cải thiện cầu và sức mua trong nước, phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch và sự phục hồi của ngành nông nghiệp.

Trước đó, phát biểu khai mạc phiên họp hôm 3/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mục tiêu 6,3 - 6,5% GDP tuy là mục tiêu cao và khó, nhưng không phải không thực hiện được. Những năm trước quý 4 bao giờ cũng tăng cao hơn các quý, vì quý cuối cùng của năm luôn có nhiều điều kiện tốt có thể phấn đấu tăng GDP. Vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đánh giá Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng 6%, do các yếu tố khách quan như tình trạng cá chết ở miền Trung, hạn hán, bão lũ… Do đó, nếu đạt 6,5% là một nỗ lực rất lớn của cả hệ thống.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta có một lợi thế khá lớn là kinh tế vĩ mô 9 tháng qua khá ổn định và vững chắc; các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, lạm phát ở mức thấp.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, niềm tin thị trường, niềm tin xã hội của người dân, doanh nghiệp tăng là một lợi thế rất lớn.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, không chỉ có quyết tâm mà phải có giải pháp cụ thể. Cả bộ máy phải chuyển động, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu tại phiên họp này phải kiểm điểm các bất cập tồn tại, nhất là phản ứng chính sách cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam, những tác động của chính sách đã ban hành, để tháo gỡ kịp thời cho sản xuất kinh doanh. Không chỉ tăng trưởng mà phải chú ý cả các chỉ tiêu xã hội, môi trường; không chỉ quan tâm chỉ tiêu 2016 mà cả chỉ tiêu 2017 và kế hoạch trung hạn 2016-2021.

Theo chương trình làm việc, phiên họp tháng 9 Chính phủ sẽ thảo luận 8 nội dung, trong đó có báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2016 và kế hoạch năm 2017; Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính-ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.