19:35 11/07/2017

Góc nhìn: “Cầu nối” Quốc hội với cử tri đang ngắn lại?

Nguyễn Lê

Từ nay, báo chí không được nghe các phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Giấy mời tham dự phiên họp thứ 12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn được phát hành, nhưng phóng viên chỉ được tham dự 5 phút đầu.
Giấy mời tham dự phiên họp thứ 12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn được phát hành, nhưng phóng viên chỉ được tham dự 5 phút đầu.
Nhận được giấy mời tham dự phiên họp thứ 12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhiều nhà báo nghị trường sáng 11/7 khi đến nơi mới biết chỉ được tham dự khoảng 5 phút đầu, sau đó thì chờ thông cáo báo chí. 

Trả lời báo giới sau đó về quy định mới này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lý giải là để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể trao đổi, phát biểu hết các vấn đề, phát biểu sâu, không ngại việc có thông tin thuộc diện bí mật “vô tình” được đề cập.

Ông nói: “Nhiều khi anh em báo chí vào thì cũng ngại, phát biểu không hết. Có vấn đề tối mật không được nói với báo chí mà nói ra thì lại phải đề nghị báo chí không đăng tải”.

Ông Phúc cũng cho biết thêm là thông cáo các buổi làm việc sẽ được chuẩn bị rất kỹ và đầy đủ để gửi đến báo chí.

Chiều cùng ngày, báo chí đã nhận được bản thông cáo số 1, trong đó cho biết: “Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14; tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14; cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng”.

Bản thông cáo số 2, được phát hành sau đó ít phút, có cho biết sâu hơn về nội dung đánh giá kết quả kỳ họp thứ 3 và chuẩn bị kỳ họp thứ 4. 

Thông cáo số 2 có đoạn: “Kết quả kỳ họp thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tinh thần làm việc tận tụy, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động, đóng góp ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri, Nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí”.

Nhiệm kỳ trước, khi Quốc hội còn đang “họp nhờ” hội trường Bộ Quốc phòng, đã có lần, việc giới hạn khu vực phỏng vấn dành cho báo chí ngoài hành lang được đặt ra, với lý do là phải dành thời gian cho đại biểu nghỉ ngơi, trong 20 phút giải lao của mỗi buổi họp.

Một vài vị đại biểu - trong đó có “ông nghị” Trần Du Lịch - khi ấy bình luận, nếu muốn “nhàn” thì không nên chọn làm người đại diện cho dân ở Quốc hội. Làm đại diện cho dân thì không thể “né” báo chí.

Sau đó, tấm biển “khu vực dành cho báo chí phỏng vấn” đã được cất đi.

Khi Quốc hội có nhà riêng của mình ở Hội trường Ba Đình mới, giờ giải lao không phải mọi người đều có mặt ở hành lang như trước nữa, mà đã có những phòng dành riêng cho đại biểu, phóng viên không thể tác nghiệp trong những căn phòng đó, mà chỉ có thể chờ đại biểu ra ngoài.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ ba vừa qua, số thẻ sự kiện (cấp hàng ngày cho phóng viên tác nghiệp ở hành lang) đã giảm đi một nửa.

Sau kỳ họp, trong một số cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội, dù có thẻ nhà báo thì phóng viên cũng không được tham dự như mọi lần.

Báo chí là cầu nối giúp Quốc hội gần dân hơn, đó không phải là một nhận xét mang tính xã giao, khi mà mỗi kỳ họp Quốc hội, mỗi phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội luôn có hàng trăm cơ quan thông tấn, báo chí đến tham dự và đưa tin.

Song có lẽ, nếu chỉ thông qua những bản thông cáo được gửi tới báo chí như trên, dường như chiếc cầu nối này đang ngắn lại.