12:12 19/02/2013

Góp ý sửa Hiến pháp: Phải có luật về sự lãnh đạo của Đảng

Nguyên Thảo

“Nhà nước, Quốc hội, mặt trận đều có luật mà Đảng không có luật, phải có luật để công khai minh bạch”

Ông Hoàng Thái, nguyên Ủy viên Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát biểu tại hội nghị góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 19/2.<br>
Ông Hoàng Thái, nguyên Ủy viên Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát biểu tại hội nghị góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 19/2.<br>
Hội nghị góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 19/2, đã ghi nhận nhiều góp ý rất cụ thể liên quan đến các quy định về Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều 70 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.

“Qua gần 70 năm, bốn bản Hiến pháp đều ghi là lực lượng vũ trang trung thành với Tổ quốc và nhân dân, sao bây giờ lại ghi thêm là trung thành với Đảng, sau mới đến Tổ quốc và nhân dân?”, ông Hoàng Thái - vị công dân cao niên, nguyên Ủy viên Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đặt câu hỏi.

“Bác Hồ nói rằng ở bất kỳ đâu cũng phải đặt Tổ quốc, nhân dân lên trên hết, nên đặt Đảng lên trên Tổ quốc là không được”, ông Thái phát biểu.

Vẫn nhấn mạnh tinh thần cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông Hoàng Thái nhận xét về cách viết ở lời nói đầu của dự thảo sửa đổi Hiến pháp “dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…” là  “có vẻ trịch thượng”. “Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ nói chữ “dưới”, mà chỉ nói nhân dân có Đảng lãnh đạo…, tôi đề nghị nên sửa lại chỗ này”, ông Thái nhấn mạnh.

Vẫn liên quan đến các quy định về Đảng, ông Phạm Xuân Hằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận xét khoản 3 của điều 4 “các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” chưa thể hiện được bổn phận rất lớn của đảng cầm quyền. Theo đề nghị của ông Hằng, vai trò lãnh đạo của Đảng cần được đảm bảo bằng pháp luật và do luật định.

Đồng ý với quan điểm này, ông Lê Truyền, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý nên có luật về Đảng.

“Nhà nước, Quốc hội, mặt trận đều có luật mà Đảng không có luật, phải có luật để công khai minh bạch, tránh tùy tiện”, ông Hoàng Thái phát biểu.

Cũng góp ý về điều 4, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh đề nghị thêm quy định nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình với Đảng theo luật giám sát và phản biện xã hội.

Chuyên đề: Sửa Hiến pháp 1992