11:25 29/01/2013

Góp ý sửa Hiến pháp: Thu hồi đất thế nào?

Nguyên Vũ

Quy định liên quan đến quản lý, sử dụng đất tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn gây không ít quan ngại

<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative">VnEconomy sẽ tiếp tục phản ánh những nội dung góp ý đáng chú ý của bạn 
đọc đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong những ngày tới.</span>
<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative">VnEconomy sẽ tiếp tục phản ánh những nội dung góp ý đáng chú ý của bạn đọc đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong những ngày tới.</span>
Mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung song một số quy định liên quan đến quản lý, sử dụng đất tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn gây không ít quan ngại, qua các góp ý gửi về địa chỉ http://duthaoonline.quochoi.vn.

Cụ thể, theo khoản 3 điều 58, “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Độc giả Trần Thị Thanh cho rằng nên quy định khoản này như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng xã hội”.

Lý do bỏ bớt cụm từ “và các dự án phát triển kinh tế - xã hội” được độc giả này giải thích là, nếu gọi chung là dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhập nhằng giữa kinh doanh và phục vụ lợi ích xã hội, sẽ tạo môi trường và điều kiện để tham nhũng nảy sinh và phát triển một cách tinh vi.

Vẫn theo độc giả này, thực tiễn trong những năm qua cho thấy, người dân bức xúc, khiếu kiện nhiều, phần lớn là do Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội nói chung, bồi thường cho dân chưa thoả đáng, giải quyết chưa thật hài hoà giữa lợi ích của người bị thu hồi đất và chủ dự án đầu tư (người được cấp đất).

Nếu gọi chung là dự án phát triển kinh tế-xã hội thì đối với các dự án kinh tế, vì lợi nhuận nên dễ phát sinh tình trạng các chủ đầu tư chạy dự án, thoả hiệp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thu hồi đất của tổ chức, cá nhân với giá thấp, lợi ích nghiêng về chủ đầu tư, điều này tạo điều kiện cho tham nhũng phát sinh.

Đối với các dự án phát triển kinh tế, theo phân tích của độc giả Trần Thị Thanh, thì việc thu hồi đất phải được thực hiện theo sự thoả thuận, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất với chủ đầu tư. Nhà nước đóng vai trò trọng tài, can thiệp một cách công tâm, khách quan, giải quyết thoả đáng lợi ích giữa người bị thu hồi đất và chủ dự án (người được cấp đất).

Còn đối với các dự án phục vụ lợi ích cộng đồng xã hội, không hạch toán kinh doanh (đường sá, cầu cống, giao thông công cộng, công viên, trường học công, bệnh viện công...), Nhà nước trực tiếp thu hồi đất, có bồi thường hợp lý cho các đối tượng bị thu hồi đất, đảm bảo sự công bằng xã hội.

"Sửa lại khoản 3 như trên, tin chắc rằng sẽ ngăn chặn tận gốc nạn tham nhũng qua đất đai, sẽ chấm dứt tình trạng khiếu kiện đông người về thu hồi đất bất hợp lý, bồi thường đất chưa thoả đáng", bạn Thanh góp ý.

Đề nghị sửa đổi mối quan hệ giữa chủ đầu tư và người dân, công dân Phạm Ngọc Tân cho rằng cần làm rõ mối quan hệ này trong việc "thu hồi đất để giao đất, cho thuê theo hình thức chỉ định chủ đầu tư". Trong những tình huống như thế này, nhà đầu tư hay người dân đều là những chủ thể bình đẳng trước luật pháp; lợi ích chính đáng của họ đều phải được tôn trọng và bảo vệ như nhau, không phân biệt. Nhà đầu tư có thể tạo lập những khu phức hợp nhà ở - trung tâm thương mại, du lịch hoành tráng, hiện đại; nhưng họ phải tạo lập trong khuôn khổ sự vận động bình thường của cuộc sống dân sự, chứ không phải dựa vào sức mạnh để khiến người khác phải ra khỏi không gian sống được cho là của mình.

"Theo tôi trong tình huống Nhà nước thu hồi đất của dân để cho chủ đầu tư sử dụng, thì Nhà nước phải bảo đảm sự công bằng giữa hai bên, không được dùng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất trong trường hợp này. Chỉ khi nào đa số (có thể trên 95%) người dân đồng ý giao đất một cách tự nguyện thì mới bắt đầu thu hồi cưỡng chế đất", bạn Tân viết.

Cùng góp ý cho điều 58, quan điểm của bạn đọc Hoàng Văn Hậu là "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội; các trường hợp thu hồi đất vì mục đích kinh doanh, thương mại thì bên tổ chức thu hồi đất phải thỏa thuận với công dân và giá bồi thường như thế nào do hai bên thống nhất".

"Độc giả Hoàng Văn Hậu bổ sung theo tôi là hợp lý, cần ủng hộ", bạn đọc Trần Như Hoa viết.

Cũng hoàn toàn ủng hộ ý kiến của bạn Hậu, song theo độc giả Lê Tấn Hanh, trong trường hợp bình thường nên bỏ từ thu hồi đất và cưỡng chế bởi do nó chỉ phù hợp khi Nhà nước giải quyết hành vi lấn chiếm, sử dụng sai mục đích hay vượt quá hạn mức...

"Trong quan hệ dân sự đất đai, do Hiến pháp quy định đất đai là sở hữu toàn dân nên mặc nhiên người dân chính là chủ thể hợp pháp của đất đai mà mình đang có quyền, dù muốn hay không. Do đó khi cần quỹ đất mục đích phát triển kinh tế - xã hội mang tính công ích, cộng đồng, quốc kế dân sinh, an ninh quốc phòng... thì Nhà nước phải trưng mua quyền sử dụng đất và bồi thường tài sản trên đất bao gồm cả công sức tạo lập của người dân căn cứ sức mua của thị trường tương ứng", vẫn theo bạn Lê Tấn Hanh.

"Đối với trường hợp cần quỹ đất cho nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... sinh lợi trên đất thì có cơ chế thỏa thuận bồi thường thỏa đáng, phù hợp với sức mua của thị trường và quy định giám sát của chính quyền nhằm bảo vệ quyền lợi nhân dân cũng như tổ chức, doanh nghiệp. Trong điều kiện bất bình thường, chiến tranh, địch họa thì có cơ chế trưng thu có điều kiện hồi tố bồi thường sau này, đảm bảo quyền lợi của nhân dân", bạn Hanh viết tiếp.

VnEconomy sẽ tiếp tục phản ánh những nội dung góp ý đáng chú ý của bạn đọc đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong những ngày tới. Xin mời độc giả xem toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Chuyên đề: Sửa Hiến pháp 1992