09:09 08/09/2016

“Hà Nội chưa thể cấm xe máy 10 năm tới”

Bảo Quyên

Theo các chuyên gia, đến 2025 phương tiện vận tải công cộng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân

Trên địa bàn Thủ đô có gần 5,9 triệu phương tiện giao thông đang hoạt động, trong đó hơn 596.000 ôtô, còn lại chủ yếu là xe máy.
Trên địa bàn Thủ đô có gần 5,9 triệu phương tiện giao thông đang hoạt động, trong đó hơn 596.000 ôtô, còn lại chủ yếu là xe máy.
“Mặc dù Hà Nội rất quyết tâm hạn chế xe cá nhân, song qua phân tích của một số chuyên gia, nhà khoa học thấy rằng thời điểm 2025 chưa thế cấm được xe máy”.

Quan điểm trên được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa nêu ra tại cuộc họp của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ngày 7/9.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, trên địa bàn Thủ đô có gần 5,9 triệu phương tiện giao thông đang hoạt động, trong đó hơn 596.000 ôtô, còn lại chủ yếu là xe máy. Mức tăng phương tiện hàng tháng đang là áp lực lớn mà Hà Nội phải giải quyết.

Để giảm áp lực giao thông, Hà Nội tiếp tục đầu tư hạ tầng, tổ chức phân luồng giao thông, quy hoạch các điểm đỗ xe.... Đặc biệt, chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân vẫn được đưa vào kế hoạch trong các năm tới.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, việc Hà Nội “chưa thể cấm xe máy trong 10 năm tới”, là do phương tiện vận tải công cộng lúc đó chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Trước đó, hồi cuối tháng 6 vừa qua, trên cơ sở đề nghị của UBND thành phố, Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó định hướng đến 2025 sẽ cấm xe máy hoạt động trong khu vực các quận nội thành.

Cũng tại cuộc họp, liên quan đến việc chậm tiến độ dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, trả lời câu hỏi của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: “bao giờ dự án hoàn thành”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, thời gian vừa qua dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được gấp rút thi công, đến 31/12/2016 sẽ xong phần xây lắp, còn vận hành toàn tuyến đường sắt đô thị là trong 6 tháng đầu năm 2017.

Riêng đối với giải pháp giảm tai nạn giao thông, Phó thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng phải thực hiện kiên quyết, triệt để, không do dự hay chần chừ theo đúng quy định trong Nghị định 46/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và công an các địa phương đẩy chú trọng xử lý các hành vi: nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, chở hàng hoá quá tải trọng cầu đường, chở quá số người quy định, sử dụng phương tiện thủy hết niên hạn, phương tiện chở khách đường thủy không trang bị thiết bị cứu sinh; tăng cường kiểm soát, xử lý đối với xe hết niên hạn sử dụng và quá hạn kiểm định…