10:58 02/03/2017

Hàng loạt chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng đối với các bộ ngành

Song Hà

Nghiên cứu giảm tiếp lãi suất, tìm cách tăng tổng cầu, quyết liệt giữ lạm phát không quá 4%

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có hàng loạt chỉ đạo quan trọng đối với các bộ ngành, địa phương trong đó đáng chú ý là một số nhiệm vụ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, thủ tục.

Nghiên cứu giảm tiếp lãi suất

Cụ thể, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ động điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỉ giá; bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp và người dân; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng. Thủ tướng cho biết gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao với ưu đãi lãi suất hợp lý lên tới 100.000 tỷ đồng sẽ được Chính phủ tập trung xử lý.

Cùng với đó phải tập trung xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém.

“Phải khẩn trương, quyết liệt nhưng phải có cách làm phù hợp, hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra bất ổn, phải bảo đảm an toàn hệ thống, không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư đang có xu hướng rất tốt mà chúng ta đã dày công xây dựng”, Thủ tướng nói.

Đặc biệt, cùng với xử lý nợ xấu, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, thực hiện các giải pháp phù hợp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

“Đây là vấn đề khó nhưng mong các đồng chí tiếp tục giảm một tỉ lệ phù hợp nào đó vì cộng đồng doanh nghiệp đang trông chờ vào nỗ lực của các đồng chí”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng giao Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo xây dựng các phương án, kịch bản kết hợp các công cụ chính sách để bảo đảm lạm phát không quá 4%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê, các viện nghiên cứu trực thuộc phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, lĩnh vực và tổng hợp chung của cả nước; thường xuyên cập nhật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối mỗi quý, bắt đầu từ quý 1/2017.

Tìm cách tăng tổng cầu

Đối với Bộ Tài chính, trong điều kiện tổng cầu của nền kinh tế phục hồi khá yếu, Thủ tướng đề nghị Bộ cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu có giải pháp phù hợp để thúc đẩy tăng tổng cầu, kích thích tăng trưởng.

Với Bộ Công Thương, cần theo dõi sát tình hình và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng; quản lý tốt thị trường bán lẻ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công Thương trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ giải quyết khó khăn trong từng ngành sản xuất công nghiệp, thúc đẩy các biện pháp kích cầu để tăng tiêu thụ, giảm tồn kho. Tập trung xử lý, giải quyết 12 dự án lớn thất thoát, kém hiệu quả. Tinh thần là năm 2017 cần xử lý về cơ bản để tạo thế và lực cho phát triển các năm sau.

“Nhân đây tôi cũng nhắc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”, Thủ tướng nói.

Với ngành ôtô, Thủ tướng nêu rõ bên cạnh việc không dừng thực hiện Quyết định 49 của Thủ tướng về tiêu chuẩn khí thải của ôtô, việc số lượng xe nhập khẩu tăng mạnh trong 2 tháng đầu 2017 khi Việt Nam thực hiện giảm thuế nhập khẩu hội nhập ASEAN là tín hiệu cảnh báo việc tăng cường quản lý để hài hòa nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng giao ngay chỉ tiêu tăng trưởng 2,8% trong nông nghiệp và xuất khẩu ít nhất 33 tỷ USD năm 2017, đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao với tinh thần là phải tính toán cung cầu, phân công đầu tư phát triển, không làm ào ạt theo phong trào, giải quyết điểm nghẽn một cách tích cực hơn.

Với Bộ Giao thông vận tải, cần phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn thiện cơ chế đặc thù, trong đó có cơ chế huy động vốn đầu tư xã hội hóa, trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt theo thẩm quyền cho dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Thủ tướng đề nghị xem lại cách làm các dự án BOT đường bộ để rút kinh nghiệm cũng như đề nghị tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, nhất là các đường ngang qua đường sắt.

Bộ Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thiện báo cáo về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những tác động đối với nước ta và đề xuất những giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực; báo cáo Chính phủ tại kỳ họp tháng 3. Cần tập trung chỉ đạo xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, không để chậm trễ kéo dài.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý về vấn đề khen thưởng các danh hiệu nhà nước, Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định về vấn đề này, trên cơ sở đó, giải quyết các trường hợp mà dư luận xã hội quan tâm.