17:59 08/11/2016

Hỗ trợ doanh nghiệp cần có "điểm dừng" pháp lý

Nguyễn Lê

Trong bối cảnh hiện nay, điều cốt lõi nhất là tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp lớn phát triển

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật.
Sau nhiều tranh luận căng thẳng, dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được trình Quốc hội chiều 8/11.

Tại tờ trình, Chính phủ nêu sự cần thiết xây dựng luật là do chính sách hỗ trợ hiện hành có hiệu lực thực thi chưa  cao, chưa đi vào cuộc sống, dẫn đến việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thực tiễn chưa hiệu quả.

Chính phủ cũng khẳng định quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn lực nhà nước chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ và thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ được lựa chọn theo quy định của pháp luật.

Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Kinh tế cho biết đa số thành viên nhất trí với sự ban hành luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, hiện đã có rất nhiều luật, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng do còn thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, tổ chức thực hiện chưa tốt nên việc hỗ trợ không có hiệu quả. 

Các ý kiến chưa đồng tình cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, điều cốt lõi nhất là tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp lớn phát triển, trong đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn để tạo thành chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng chứ không nên cắt khúc, hỗ trợ riêng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những hạn chế nêu trong tờ trình của Chính phủ chưa đủ là lý do để ban hành luật.

Liên quan đến những nội dung cụ thể, Ủy ban Kinh tế đồng tình với quan điểm chuyển phương thức hỗ trợ từ hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiêp nhỏ và vừa sang chủ yếu hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ để không làm méo mó thị trường và tránh vi phạm cam kết quốc tế. 

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ nội dung thiết yếu thuộc phạm vi, trách nhiệm Nhà nước phải hỗ trợ trực tiếp để đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước

Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét, bổ sung quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa phải hoàn trả những hỗ trợ đã được hưởng thụ khi vi phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời quy định “điểm dừng” pháp lý khi doanh nghiệp đủ mạnh thì không hưởng hỗ trợ nữa.

Liên quan đến hỗ trợ tiếp cận tín dụng , báo cáo thẩm tra phản ánh hai loại ý kiến. Loại thứ nhất cho rằng việc quy định về hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng và các quỹ như dự thảo luật còn chung chung, không khuyến khích được các ngân  hàng thương mại và quỹ cho doanh nghiêp nhỏ và vừa vay vốn; chưa có cơ chế mạnh mẽ để doanh nghiêp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn đồng thời vẫn phải bảo đảm hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại và các quỹ đạt hiệu quả. 

Việc quy định Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện cấp bù lãi suất là khó khả thi vì dù có quy định nhưng cũng chưa bố trí được nguồn cấp bù lãi suất hơn 30 nghìn tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng phát triển Việt Nam đã triển khai trong thời gian qua, ý kiến này lập luận.

Loại ý kiến thứ hai  tán thành với quy định tại dự thảo luật. Theo đó các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn và trong từng thời kỳ, Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện cấp bù lãi suất...

Ủy ban Kinh tế cho rằng, các ngân hàng thương mại, các quỹ cần có chính sách phù hợp để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng, nhằm mục tiêu chung phát triển kinh tế-xã hội. 

Tuy nhiên một số nội dung giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này (ví dụ quy định về mức cho vay trên giá trị tài sản thế chấp, khuyến khích ngân hàng thương mại thành lập những kênh tài chính riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãi suất cho vay ưu đãi với doanh nghiệp nhỏ và vừa...) mà cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong Luật Các tổ chức tín dụng và pháp luật liên quan... 

Đối với vấn đề thiếu vốn là nội dung doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhất thì cả quy định tại Điều 9 (hỗ trợ tiếp cận tín dụng ngân hàng) và Điều 10 (hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các quỹ), trong đó có cả quy định sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện cấp bù lãi suất đều mới quy định chung và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

 Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phù hợp trong dự thảo luật này và các luật liên quan để bảo đảm tính khả thi, tránh việc quy định chỉ mang tính khuyến khích và thiếu cụ thể, không thực hiện được trong thực tế, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.