08:46 16/09/2015

Hoạt động của hội đồng nhân dân hình thức hay không?

Nguyễn Lê

Vấn đề đặt ra từ báo cáo kết quả giám sát hoạt động của hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại phiên thảo luận.<br>
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại phiên thảo luận.<br>
Hoạt động của hội đồng nhân dân hình thức hay không hình thức? Đó là câu hỏi mà theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển là cần phải được trả lời, khi thực hiện giám sát hoạt động của hội đồng nhân dân.

Báo cáo kết quả giám sát về hoạt động của hội đồng nhân dân cấp tỉnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/9 đánh giá: nhìn chung, tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp nói chung và cấp tỉnh nói riêng trong nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng nêu ra không ít hạn chế, như chất lượng một số nghị quyết của hội đồng nhân dân còn hạn chế, nhiều nội dung còn giao cho ủy ban nhân dân quy định cụ thể để tổ chức thực hiện nên ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả nghị quyết của hội đồng nhân dân.

Hay, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn chưa được hội đồng nhân dân xem xét ban hành nghị quyết một cách thường xuyên, nên việc kiểm tra thực hiện “lời hứa” còn hạn chế

Một trong các nguyên nhân được đoàn giám sát chỉ ra là hầu hết đại biểu hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, số lượng đại biểu chuyên trách còn ít nên chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của hội đồng nhân dân.

Bên cạnh đó, một bộ phận đại biểu do cơ cấu nên còn thiếu kỹ năng hoạt động. Một số đại biểu là lãnh đạo thuộc cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân còn ngại va chạm, ít phát biểu, chất vấn hoặc đưa ra những kiến nghị xác đáng.

Đoàn giám sát cũng đánh giá nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức và đại biểu hội đồng nhân dân về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân, trách nhiệm của đại biểu dân cử chưa thực sự rõ ràng, đầy đủ đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hoạt động của hội đồng nhân dân.  

Những ý kiến tại phiên thảo luận cũng cho rằng cần đánh giá sâu sắc hơn chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền thì mối liên hệ giữa đại biểu hội đồng nhân dân và cử tri rất mờ nhạt.

Mỗi lần đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri thì dân kéo đến rất đông để kiến nghị, họ phản ánh là đã kiến nghị lên hội đồng nhân dân nhiều lần nhưng không được giải quyết nên tiếp tục kiến nghị lên Quốc hội, ông Quyền nói.

Ông Quyền cũng cho rằng hạn chế lớn nhất trong giám sát của hội đồng nhân dân là chưa làm rõ trách nhiệm của các đối tượng chịu sự giám sát, trong đó việc chỉ ra địa chỉ cụ thể rất yếu.

Và, sở dĩ hoạt động của hội đồng nhân dân được đánh giá là có tính hình thức rất cao, theo ông Quyền là do mối quan hệ của đại biểu với cử tri và các thiết chế bộ máy nhà nước rất mờ nhạt. Đại biểu đi giám sát nói hay không nói cũng chả ảnh hưởng gì, cử tri cũng không đánh giá được mà hoàn toàn phụ thuộc vào chủ quan của đại biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, lâu nay có một số ý kiến cho rằng hoạt động của hội đồng nhân dân còn hình thức, từ đó nhiều ý kiến muốn bỏ hội đồng nhân dân ở một số cấp.

Vì thế, ông Hiển cho rằng báo cáo giám sát phải trả lời được là hoạt động của hội đồng nhân dân hình thức hay không hình thức. Việc chứng minh được điều này, theo ông Hiển cũng không phải là quá khó, vì có khá nhiều ”nguyên liệu” từ thực tế. Như có thể đánh giá qua việc phân bổ ngân sách hàng năm hay quyết định đầu tư những công trình quan trọng tại địa phương.