14:11 21/03/2011

“Hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ”

Nguyên Bình

Kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ khóa 12 là Quốc hội đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả

Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trình bày dự thảo báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội khóa 12 - Ảnh: CTV.
Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trình bày dự thảo báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội khóa 12 - Ảnh: CTV.
Kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ khóa 12 là Quốc hội đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới trong cả tư duy và thực tiễn hành động, Tổng bí thư - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trình bày dự thảo báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội khóa 12, tại phiên khai mạc kỳ họp cuối cùng vào sáng nay (21/3).

Trong 4 năm qua, Quốc hội đã thông qua 68 luật, 12 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 13 pháp lệnh và 7 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, Chủ tịch nêu kết quả cụ thể trong hoạt động lập pháp.

Đáng chú ý trong hoạt động này là Quốc hội đã quan tâm, sửa đổi bổ sung kịp thời một số chế định pháp luật không còn phù hợp thuộc các lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, thuế, đầu tư xây dựng cơ bản, phòng, chống tham nhũng… để đáp ứng nhu cầu hội nhập, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Nhiệm kỳ qua hoạt động giám sát của Quốc hội được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề.

Việc theo dõi thực hiện lời hứa của người chất vấn được thực hiện thường xuyên hơn, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội cũng nêu rõ, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích của Quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Các quyết định về chủ trương đầu tư dự án thủy điện, điện hạt nhân, chưa đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM… đều được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, thận trọng…, Chủ tịch nói.

Bên cạnh kết quả, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội cũng đã nhìn nhận những hạn chế cả về tổ chức, hoạt động và phương thức, lề lối làm việc.

Như, trong thảo luận, thông qua dự án luật, một số trường hợp chưa có sự tranh luận đầy đủ, đối thoại đến cùng. Cơ chế giải quyết kiến nghị sau giám sát còn thiếu cụ thể hoặc chưa thật phù hợp.

Thông tin phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước còn chưa đầy đủ, kịp thời. Chưa có cơ chế sử dụng các cơ quan chuyên môn độc lập thẩm định các vấn đề khoa học, kỹ thuật, tính chính xác của số liệu trước khi cung cấp đến đại biểu Quốc hội, dự thảo báo cáo nêu rõ.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, dự thảo báo cáo cũng  đưa ra một số kiến nghị về phương hướng, nhiệm vụ và tổ chức của Quốc hội trong thời gian tới.

Một trong các kiến nghị đó là, có quy chế xác định rõ những nội dung cần xin ý kiến chỉ đạo (công tác tổ chức, nhân sự, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh…); những vấn đề Đảng lãnh đạo bằng định hướng chủ trương, đường lối (kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước, dự án, công trình…) nhằm phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo, nâng cao trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

“Đồng thời, có cơ chế để đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến, thảo luận kỹ những vấn đề quan trọng trước khi cơ quan có thẩm quyền của Đảng xem xét, quyết định”, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Theo nghị trình, Quốc hội sẽ dành trọn ngày 28/3 để thảo luận tại hội trường về báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sau khi đã thảo luận tại tổ vào sáng 24/3.