17:37 18/04/2012

Hỏi “khó” về đầu tư công cho tam nông

Nguyên Vũ

Đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất lớn mà kết quả đem lại chưa tương xứng thì lý do làm sao?

Giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.787 tỷ đồng.
Giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.787 tỷ đồng.
Đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất lớn mà kết quả đem lại chưa tương xứng thì lý do làm sao?

Phát biểu tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/4, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh rằng, câu hỏi này khiến ông trăn trở mãi.

Cũng vì thế mà ông “rất lo lắng” cho Trưởng đoàn giám sát - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu - vì thời gian ngắn mà nội dung giám sát lại rất nhiều.

Theo kết quả giám sát thể hiện tại bản báo cáo dài 31 trang được Chủ nhiệm Giàu trình bày, giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.787 tỷ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, đáp ứng được khoảng 55-60% yêu cầu.

Đoàn giám sát nhận định, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng so với tỷ lệ trên 70% dân số Việt Nam gắn với nông nghiệp, nông thôn.

Số vốn tín dụng Nhà nước đã đầu tư cho khu vực này mới đạt gần 25% tổng số vốn tín dụng Nhà nước đã đầu tư cho nền kinh tế. Trong khi vốn FDI giảm dần từ tỷ lệ 8% trong tổng cơ cấu FDI của cả nước năm 2001 giảm xuống còn 1% năm 2010.

Phân cấp quá mạnh trong khi năng lực trách nhiệm quản lý có nơi còn yếu kém, thất thoát, lãng phí, tham nhũng còn xảy ra…, phần nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém tại báo cáo dài gấp bốn lần nguyên nhân khách quan.

Chủ nhiệm Hiển nhận xét rằng báo cáo kết quả giám sát đưa ra nhiều nhận định nhưng vẫn là những vấn đề đã được nhắc đến khá nhiều như thiếu vốn, đầu tư dàn trải, có lãng phí, có tiêu cực…

Song hệ thống chính sách có gì bất cập và cản trở cho sự phát triển tam nông, trách nhiệm thuộc về ai thì chưa được làm rõ.

Nhiều ý kiến khác cũng lo ngại báo cáo giám sát sẽ gần với báo cáo về tình hình tam nông hơn là chuyên đề đã được xác định, vì phạm vi quá rộng, vấn đề chính chưa được làm nổi bật.

Đồng tình với ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn là “báo cáo mênh mông quá”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K'sor Phước đề nghị đầu tư công ở đây phải hiểu là chi cho đầu tư phát triển chứ còn chi nói chung thì vô cùng vô kể.

Ông đề nghị khoanh lại phạm vi để kiến nghị cho trúng vấn đề. Bởi theo ông nếu nói là đầu tư cho tam nông thiếu so với nhu cầu thì đồng ý, còn thiếu so với năng lực của đất nước thì cần cân nhắc lại.

Theo ông, một trong những hạn chế cần nêu là tư tưởng chờ đợi sự hỗ trợ của Trung ương còn khá nặng nề. Ông cũng đề nghị “cái nào bức xúc, sát sườn nhất thì kiến nghị vào đây cho rõ”.

Tán thành rất nhiều nguyên nhân của hạn chế, yếu kém được nêu tại kết quả giám sát, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận xét rằng “ rất chung chung”.

Theo ông thì cần cụ thể chỗ nào yếu, ai yếu trong thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư cho tam nông, nếu không rất có thể “đọc xong quên luôn”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị cần trả lời câu hỏi cần đầu tư bao nhiêu, cơ cấu, quản lý, hiệu quả ra sao,?

“Giám sát xong hướng đến điều gì? Quốc hội sẽ quyết gì? Khéo không thành việc biết rồi nói mãi”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu.

Ông cũng lưu ý, những câu hỏi cần tập trung trả lời là đầu tư chưa đạt yêu cầu thì tới đây thế nào, cơ cấu đầu tư như thế nào hiệu quả nhất? Và cần có chính sách, giải pháp gì?