11:33 22/09/2016

Hội thích uống bia ủng hộ vấn đề chính trị thì sao?

Nguyễn Lê

Dự thảo luật mới nhất cũng đã cho phép cá nhân người nước ngoài được quyền sáng lập, điều hành hội của những người nước ngoài tại Việt Nam

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình.
Hội những người thích uống bia không cần đăng ký, nhưng họ tụ tập rất đông người để ủng hộ một vấn đề chính trị thì sao?

Chơi vơi sau nhiều khoá Quốc hội, Luật Về hội có vẻ như đã gần đi tới hồi kết khi dự kiến được thông qua vào kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá 14, khai mạc ngày 20/10 tới đây.

Nhưng, tại phiên họp sáng 22/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vấn có hàng loạt vấn đề được đặt ra.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói, thực tế vẫn có quan chức Nhà nước đứng đầu hội, chẳng hạn thứ trưởng làm chủ tịch Hiệp hội Bất động sản, điều đó làm cho chính sách méo mó đi, đề nghị làm rõ vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án luật - ông Nguyễn Khắc Định giải thích, theo dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý mới nhất thì hội có hai loại, có đăng ký và không đăng ký. Hội không đăng ký thì thực hiện quyền lập hội theo Hiến pháp, tự lập tự trang trải, ví dụ hội đồng hương đồng môn đồng ngũ, hội yêu hoa nọ hoa kia hay hội những người thích uống bia, uống rượu... 

Loại hội này thì không hạn chế được công chức tham gia, nhưng với hội có đăng ký, tức là có tư cách pháp nhân thì công chức bị hạn chế tham gia, ông Định nói rõ.

Vẫn theo ông Định, thực tế cơ quan có thẩm quyền đang cử cán bộ, thậm chí có cán bộ cấp cao làm lãnh đạo hoặc tham gia điều hành một số hội được thành lập do nhu cầu của Đảng và Nhà nước. Nên luật quy định cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân chỉ được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động các hội có đăng ký, khi được cơ quan có thẩm quyền phân công (khoản 3, điều 8).

Đồng ý là có thể một số hội cần quan chức đứng đầu, song ông Phúc cho rằng cần ghi rõ trong luật là luật nào cần. Một số hội vẫn toàn thứ trưởng làm chủ tịch, đang công tác mà cứ kiêm thêm hội nọ hội kia thì không đúng, làm méo mó chính sách, ông Phúc phát biểu.

Chia sẻ với băn khoăn này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận xét, quy định như khoản 3 điều 8 là chưa hết ý.

Vẫn liên quan đến quản lý nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình đặt vấn đề: hội những người thích uống bia không cần đăng ký nhưng họ tụ tập đông người, thậm chí rất đông người mà lại để ủng hộ một vấn đề chính trị thì sao? 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Luật Về hội đã được bàn hàng chục năm vẫn lúng túng, có những vấn đề do lịch sử, nếu đi đến tận cùng thì không giải quyết được.

Bà Nga đề nghị cân nhắc xem luật này có quy định quản lý cả hội không đăng ký hay không, vì quản hết và quy định hết rất là khó.

Nếu quy định cả hai loại hội không đăng ký và có đăng ký thì cần phải giải mã và có quy định ràng buộc là những hội nào dứt khoát phải đăng ký, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh góp ý.

Trả lời chung các ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói, cả đại biểu Quốc hội và ý kiến nhiều cơ quan khác cho rằng nếu không điều chỉnh hội không đăng ký thì không ổn.

Đưa hội không đăng ký vào luật để họ phải tuân theo nguyên tắc tự quản, tự chịu trách nhiệm và có người đứng đầu, sẽ quản lý thông qua người đứng đầu và nếu hội này vi phạm thì xử lý bằng cả hệ thống pháp luật chứ không chỉ riêng bằng Luật Về hội.

Bên cạnh vấn đề nêu trên, dự thảo luật mới nhất cũng đã cho phép cá nhân người nước ngoài được quyền sáng lập, điều hành hội của những người nước ngoài tại Việt Nam.

Họ cũng được tham gia hội do người Việt Nam sáng lập nếu điều lệ hội cho phép, nhưng không được điều hành, ông Định giải thích.