18:58 03/06/2016

HSBC: Kinh tế Việt Nam trong “thời khắc thử thách”

Minh Đức

Chính sách khuyến khích kinh tế càng lớn, thì càng nhiều rủi ro chờ đón Việt Nam

Theo HSBC, những nguy cơ Việt Nam phải đối mặt bao gồm: yếu tố hỗ trợ dự trữ ngoại 
hối thấp; ngành ngân hàng vẫn đang phải vật lộn với hậu quả khủng hoảng 
tài chính trong nước năm 2011; và lạm phát tuy nằm trong vòng kiểm soát 
nhưng vẫn tăng đều.
Theo HSBC, những nguy cơ Việt Nam phải đối mặt bao gồm: yếu tố hỗ trợ dự trữ ngoại hối thấp; ngành ngân hàng vẫn đang phải vật lộn với hậu quả khủng hoảng tài chính trong nước năm 2011; và lạm phát tuy nằm trong vòng kiểm soát nhưng vẫn tăng đều.
Bộ phận nghiên cứu củangân hàng HSBC vừa công bố báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam, với điểm nhấn: “Trong thời khắc thử thách”.

Xuyên suốt báo cáo này là hàm ý, Chính phủ mới đang cố để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm nay, dù thực tế có nhiều khó khăn và rủi ro, và khuyến nghị được đưa ra là lựa chọn tăng trưởng tuy chậm nhưng bền vững.

Theo báo cáo trên, tác động dai dẳng của hiện tượng thời tiết El Nino vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp, nhưng kỳ vọng sản lượng nhóm ngành sản xuất và dịch vụ phát triển mạnh sẽ giúp GDP quý 2/2016 tăng từ 5,6% trong quý 1 lên 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, HSBC vẫn giữ nguyên dự báo GDP cả năm 2016 của Việt Nam chỉ ở mức 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

“Những lo ngại trong dự báo của chúng tôi bắt nguồn từ chính sách Nhà nước. Cơ quan quản lý mới của Việt Nam đã khẳng định mục tiêu GDP cho năm 2016 vẫn sẽ là 6,7%.

“Chúng tôi nghĩ mục tiêu này sẽ khó đạt được trong bối cảnh tăng trưởng quý 1/2016 thể hiện không tốt cùng với những khó khăn vượt mức kỳ vọng đối với hoạt động xuất khẩu. Như vậy nhu cầu nội địa sẽ nhận trách nhiệm cải thiện tăng trưởng kinh tế”, báo cáo viết.

Và điều HSBC lo ngại là các cơ quan quản lý sẽ cố nới lỏng điều kiện tín dụng hơn nhằm kích thích chi tiêu trong khối tư nhân. Chi tiêu Nhà nước cũng có nhiều dấu hiệu gia tăng rõ rệt.

Cụ thể, theo HSBC, khi chính sách khuyến khích kinh tế càng lớn, càng nhiều rủi ro chờ đón Việt Nam vì các yếu tố hỗ trợ kinh tế vĩ mô vẫn còn khá mỏng. Chính sách tài khóa của Chính phủ vẫn còn hạn chế.

Trong năm 2016, bộ phận nghiên cứu của ngân hàng này dự đoán thâm hụt ngân sách của Việt Nam một lần nữa bị nới rộng đến mức 6,6% trên GDP, dẫn đến tỷ lệ nợ công trên GDP đạt ngưỡng giới hạn do Quốc hội đề ra là 65%.

Để giành lại cơ hội tài chính, Việt Nam cần nỗ lực mở rộng cơ sở doanh thu và giảm thiểu chi tiêu hiện tại, nhưng những cải cách này không thể thực hiện một sớm một chiều.

“Hiện tại, chúng tôi nghĩ tăng trưởng tuy chậm nhưng bền vững là điều cần hướng đến”, HSBC nêu khuyến nghị.

Trong khi đó, những quan điểm của các nhà quản lý mới cho thấy định hướng khuyến khích tăng trưởng kinh tế mãnh liệt hơn, gia tăng nguy cơ trong năm 2016 sẽ nới lỏng chính sách hơn kỳ vọng…

Những nhà quản lý mới của Việt Nam đã khẳng định mục tiêu GDP cho năm 2016 vẫn sẽ là 6,7%. Đầu tháng 5/2016, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ và cơ quan sử dụng mọi biện pháp có thể để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong khi vẫn kiểm soát lạm phát.

Nhưng những khó khăn đối với thương mại lớn hơn dự kiến khiến nhu cầu trong nước - cụ thể là trong lĩnh vực đầu tư - phải tăng rất mạnh nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Theo HSBC, Chính phủ dường như sẽ đưa ra chính sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế, nhiều khả năng sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước tăng tăng trưởng tín dụng mà đang ở mức 17,3% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 4/2016 lên gần mốc 20% trong nửa cuối năm nay.

“Chúng tôi lo ngại khi chính sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế càng lớn, càng nhiều rủi ro đang chờ đón Việt Nam vì các yếu tố hỗ trợ kinh tế vĩ mô vẫn còn khá mỏng”, báo cáo đưa ra cảnh báo.

Cụ thể, những nguy cơ Việt Nam phải đối mặt bao gồm: yếu tố hỗ trợ dự trữ ngoại hối thấp; ngành ngân hàng vẫn đang phải vật lộn với hậu quả khủng hoảng tài chính trong nước năm 2011; và lạm phát tuy nằm trong vòng kiểm soát nhưng vẫn tăng đều.

Với những yếu tố trên, theo quan điểm của HSBC, dẫn đến yêu cầu Việt Nam cần có chính sách tài chính và tiền tệ cẩn trọng hơn.