06:00 12/09/2017

Hưng Yên đề xuất miễn, giảm phí và di dời trạm BOT quốc lộ 5

Kiều Linh

UBND tỉnh Hưng Yên vừa có văn bản đề xuất miễn, giảm phí tại trạm thu phí số 1, quốc lộ 5

Người dân dùng tiền lẻ trả phí tại trạm BOT quốc lộ 5.
Người dân dùng tiền lẻ trả phí tại trạm BOT quốc lộ 5.
UBND tỉnh Hưng Yên vừa có văn bản gửi liên Bộ Giao thông Vận tải - Bộ Tài chính đề xuất miễn, giảm phí tại trạm thu phí số 1, quốc lộ 5 nằm trên địa phận huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Động thái này được đưa ra khi những ngày qua, nhiều lái xe liên tiếp dùng tiền lẻ trả phí để phản đối vì cho rằng trạm BOT này đặt trên quốc lộ 5 để hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là vô lý.

Trong văn bản, UBND tỉnh Hưng Yên kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính xem xét giảm mức phí sử dụng đường bộ với tất cả phương tiện khi đi qua trạm thu phí số 1.

Tỉnh này cũng kiến nghị Tổng công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) miễn phí cho những hộ dân sinh sống tại các xã, thị trấn gồm: Lạc Hồng, Trưng Trắc, Đình Dù, thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm); xã Giai Phạm, Nghĩa Hiệp (huyện Yên Mỹ); thị trấn Bần Yên Nhân (Mỹ Hào).

Theo ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, việc miễn phí sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân.

Ngoài ra, UBND tỉnh Hưng Yên còn đề nghị các cơ quan chức năng xem xét di dời trạm thu phí số 1 hiện tại về vị trí tiếp giáp giữa tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội hoặc giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương.

Giải thích về kiến nghị di dời trạm, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết hiện nay việc đặt trạm thu phí số 1 tại huyện Văn Lâm là không phù hợp.

Các lái xe đi từ Hà Nội hướng Hải Phòng đến gần trạm thường rẽ vào đường huyện Văn Giang rồi đi ra Phố Nối; xe từ Hải Phòng đi Hà Nội rẽ vào đường Phố Nối để né trạm thu phí.

Điều này vừa gây thất thu ngân sách vừa phá nát đường huyện và mất an toàn giao thông.

Quốc lộ 5 là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía đông của Hà Nội. Mỗi ngày có khoảng 34.000 lượt phương tiện qua hai trạm thu phí. Mức phí qua quốc lộ 5 thấp nhất là 40.000 đồng, cao nhất là 180.000 đồng mỗi lượt.

Từ đầu năm 2016, dự án nâng cấp quốc lộ 5 theo hình thức BOT được chuyển giao cho Vidifi; nhà đầu tư chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí. Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km cũng do Vidifi đầu tư, thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015.

Trước nhiều ý kiến cho rằng không thể thu phí trên quốc lộ 5 bù cho chi phí đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế giải thích Nhà nước đang nợ nhà đầu tư 4.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc. Đó là tiền giải phóng mặt bằng mà đáng lẽ Nhà nước phải bỏ ra, song do ngân sách không có nên phải để cho doanh nghiệp thu phí quốc lộ 5 bù đắp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Vidifi, cho biết, nếu phần hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án không được bố trí vào kế hoạch trung dài hạn 2016-2020 như cam kết của Chính phủ thì sẽ phá vỡ phương án tài chính của dự án và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhà đầu tư, ngân hàng huy động và cho vay vốn, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước đã tài trợ cho dự án.

Báo cáo thường niên của một công ty liên kết với Vidifi cho thấy, trung bình mỗi ngày, Vidifi thu về gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí vận hành lãi vay cũng như khấu hao dẫn đến bình quân, hiện mỗi ngày chủ đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lỗ gần 5 tỷ đồng.