09:43 23/12/2014

Kế hoạch Kiểm toán Nhà nước không cần xin ý kiến Chính phủ?

Nguyên Hà

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm khi thảo luận về dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, Hiến pháp đã ghi rất rõ Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, Hiến pháp đã ghi rất rõ Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Kiểm toán Nhà nước quyết định kế hoạch kiểm toán hằng năm và báo cáo Quốc hội, không cần xin ý kiến Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu quan điểm khi thảo luận về dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), hôm 22/12.

Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, mặc dù Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, nhưng có ý kiến cho rằng kế hoạch kiểm toán hằng năm cần được “báo cáo trước Chính phủ”.

Tại dự thảo mới, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo thống nhất quy định Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm và báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho ý kiến trước khi quyết định.

Việc bổ sung quy định báo cáo Chính phủ được cho là để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao tính khả thi của kế hoạch kiểm toán, hỗ trợ cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giúp Chính phủ, Chủ tịch nước và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đồng ý với quan điểm của Chủ nhiệm Phan Trung Lý là không cần xin ý kiến Chính phủ về kế hoạch kiểm toán, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, Hiến pháp đã ghi rất rõ Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật cũng đã chỉnh sửa theo hướng nhiệm kỳ của phó tổng kiểm toán là 5 năm tính từ ngày bổ nhiệm.

Bên cạnh đó, quy định về báo cáo kiểm toán cũng được chỉnh sửa theo hướng chỉ có một loại báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán do Tổng kiểm toán Nhà nước hoặc người được Tổng kiểm toán Nhà nước ủy quyền ký tên, đóng dấu.

Trong báo cáo kiểm toán có phần kết luận và kiến nghị, trong đó kiến nghị có giá trị bắt buộc đối với các đơn vị được kiểm toán phải thực hiện và là căn cứ để khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Còn kiến nghị đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng mang tính chất tư vấn giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình như; các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước...

Với kiểm toán doanh nghiệp có vốn nhà nước, qua thảo luận tại Quốc hội có nhiều ý kiến cho rằng chỉ kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Đa số ý kiến trong thường trực cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cho rằng, ở đâu có tài chính, tài sản công là phải được kiểm toán, không phân biệt đối tượng quản lý, sử dụng.

Mặt khác, một số doanh nghiệp có tỷ lệ vốn của Nhà nước không lớn nhưng số tuyệt đối lại rất lớn. Do đó, cần tập trung kiểm toán các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống thì chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, chỉ có doanh nghiệp Nhà nước nắm 100% vốn mới là doanh nghiệp nhà nước nên việc kiểm toán các doanh nghiệp này và doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước cần quy định rành mạch để không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.