14:59 21/11/2012

Khi doanh nghiệp bị xem là “đồng minh” của tham nhũng

Viên Nhi

Một khảo sát mới công bố cho biết 70% doanh nghiệp được hỏi trả lời đã chủ động đưa quà biếu/tiền

Đại diện các cơ quan thực hiện khảo sát tại cuộc họp báo công bố kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức”.<br>
Đại diện các cơ quan thực hiện khảo sát tại cuộc họp báo công bố kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức”.<br>
Hôm 20/11, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố chính thức báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức”.

Tại cuộc họp, đại diện WB, ông James Anderson, đã nhấn mạnh việc các doanh nghiệp vô hình chung đang trở thành “đồng minh” của nạn tham nhũng.

Hơn 70% doanh nghiệp chủ động đưa quà biếu

Theo kết quả khảo sát, khi doanh nghiệp gặp khó khăn do các cơ quan nhà nước gây ra, thì có khoảng 51% doanh nghiệp nhờ người có ảnh hưởng tác động để giải quyết; 59% doanh nghiệp chọn cách đưa quà hoặc tiền cho cán bộ có thẩm quyền giải quyết. Chỉ có 13% doanh nghiệp tìm đến các cơ quan bảo vệ pháp luật và chưa tới 6% đề nghị cơ quan báo chí can thiệp.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp dính líu vào tham nhũng như một cách giải quyết công việc thuận tiện. 63% số doanh nghiệp trả lời tin rằng, chi phí không chính thức “tạo ra cơ chế ngầm giải quyết được công việc một cách nhanh chóng”, và hơn 53% cho rằng, nó khiến cán bộ tích cực thực hiện công việc.

Khi doanh nghiệp bị xem là “đồng minh” của tham nhũng 1Đứng từ cái nhìn ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc chi trả những chi phí không chính thức mang lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp so với việc không trả chi phí.

Khoảng 32% doanh nghiệp được hỏi trả lời có chi trả chi phí ngoài quy định nói rằng, đây là cách nhanh nhất và dễ thực hiện nhất để “được việc”; 2% tin rằng chi phí ngoài quy định rất nhỏ so với lợi ích mang lại khi công việc được giải quyết và các doanh nghiệp khác cũng làm như vây. Khoảng 18% doanh nghiệp tin rằng nếu không có những khoản chi trả ngoài quy định như thế thì không giải quyết được công việc.

Vì thế, đứng từ cái nhìn ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc chi trả những chi phí không chính thức mang lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp so với việc không trả chi phí.

Vị đại diện WB cũng cho biết, trong số các doanh nghiệp phải trả phí ngoài quy định, hơn 70% doanh nghiệp được hỏi trả lời đã chủ động đưa quà biếu/tiền, dưới 30% là được cán bộ, công chức yêu cầu. Do vậy, vô hình chung doanh nghiệp đã trở thành “đồng minh” giúp tham nhũng phát triển.

Thuế là ngành gây khó khăn nhất

Kết quả khảo sát còn cho thấy, ít nhất 10% doanh nghiệp đã khẳng định, họ bị gây khó khăn khi sử dụng các dịch vụ công do các cơ quan nhà nước cung cấp, thậm chí với một số dịch vụ, tỷ lệ này còn cao hơn.

Ngành hải quan, cảnh sát giao thông và cơ quan thuế đều bị ít nhất 30% doanh nghiệp nêu tên. Khi được hỏi về ba cơ quan hay gây khó khăn nhất thì 58% chọn cơ quan thuế, các cơ quan quản lý chuyên ngành đứng thứ hai (23%), vị trí thứ ba và thứ tư thuộc về cảnh sát giao thông (21%) và tài nguyên môi trường (20%).

Khi doanh nghiệp bị xem là “đồng minh” của tham nhũng 2Việc một số doanh nghiệp tham nhũng mang lại một số lợi ích không có nghĩa tham nhũng là hiệu quả, vì tham nhũng có thể làm đạo đức xuống cấp và khiến hệ thống hành chính về bản chất trở nên bất công. Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức”

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nói rằng, họ phải trả tiền không chính thức thường xuyên nhất khi giao dịch với cơ quan thuế (33%). Còn khi liên hệ với các cơ quan quản lý chuyên ngành thì 20% doanh nghiệp nói họ đã phải chi tiền không chính thức. Ba ngành tiếp theo là ngân hàng (17%), cảnh sát giao thông (16%) và hải quan (16%).

Trong số các ngành được khảo sát thì quản lý thị trường đứng đầu trong danh sách cơ quan đòi phí ngoài quy định, thứ hai là cảnh sát giao thông, sau đó là công an kinh tế, quản lý tài nguyên - môi trường và xây dựng.

Thậm chí, nhiều khi do phổ biến quá nên người đi hối lộ không nghĩ mình tiếp tay cho tham nhũng. Rõ nét là hình thức tặng tiền/quà biếu trong các dịp lễ, tết. Do kiểu giao dịch này không nhất thiết diễn ra tại thời điểm cung cấp/sử dụng dịch vụ, nên nhiều người không coi đó là hành vi tham nhũng chính thức.

Chi phí không chính thức thực sự có hiệu quả?

“Việc một số doanh nghiệp tham nhũng mang lại một số lợi ích không có nghĩa tham nhũng là hiệu quả, vì tham nhũng có thể làm đạo đức xuống cấp và khiến hệ thống hành chính về bản chất trở nên bất công”, báo cáo khảo sát nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp đã công nhận điều này. Cụ thể, khoảng 37% nói rằng, chi phí không chính thức làm hư hỏng cán bộ của doanh nghiệp; 28% nghĩ chi phí không chính thức đang gây trở ngại khi giải quyết công việc. Hơn nữa, có đến 57% doanh nghiệp nghĩ chi phí không chính thức gây ra sự bất công trong giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước.

Hơn nữa, kết quả khảo sát cũng cho hay, tính trung bình các doanh nghiệp có đưa hối lộ trong vòng 12 tháng qua, trên thực tế tăng trưởng chậm hơn các doanh nghiệp không làm việc này.

Kết quả doanh nghiệp tham gia hối lộ có mức tăng trưởng chậm thực sự có nhiều ý nghĩa. Theo đại diện WB, thì nó cho thấy việc trả các khoản tiền không chính thức không phải là một chiến lược kinh doanh hiệu quả, mặc dù trên thực tế có nhiều doanh nghiệp tin như vậy.

Hơn nữa, điều này cho hay, văn hóa tham nhũng cản trở sự tăng trưởng của cả khu vực doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp bị xem là “đồng minh” của tham nhũng 3Minh bạch và giải trình là giải pháp cần có của Việt Nam. Minh bạch không chỉ là khẩu hiệu mà còn phải được thể hiện đầy đủ. Bà Fiona Lappon, Trưởng đại diện Bộ Phát triển quốc tế Anh

Ngoài ra, khi xét kết quả tăng trưởng trung bình của các tỉnh/thành phố, những địa phương nào có nhiều doanh nghiệp đưa hối lộ thì chính doanh nghiệp cũng đánh giá họ đang tăng trưởng chậm hơn.

“Các doanh nghiệp cố gắng cải thiện vị thế của mình, song vô tình họ đang cùng nhau làm tình hình xấu thêm, vì các cán bộ sẽ có thói quen nhận hối lộ mới giải quyết công việc”, vị chuyên gia của WB nhận định.

Tuy nhiên, để giải quyết được vấn nạn tham nhũng, theo bà Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, cần thiết phải thay đổi thái độ của xã hội. Doanh nghiệp và người dân cần biết rằng họ có những lựa chọn khác ngoài việc hối lộ, và nếu không có lựa chọn khác, các nhà lãnh đạo của Việt Nam cần tạo ra các lựa chọn thay thế.

Còn bà Fiona Lappon, Trưởng đại diện Bộ Phát triển quốc tế Anh đánh giá, báo cáo đã chứng minh một cách thuyết phục là các tỉnh và huyện tuân thủ đầy đủ hơn các chính sách về công khai và minh bạch thì có mức độ tham nhũng thấp hơn. Do vậy, “minh bạch và giải trình là giải pháp cần có của Việt Nam. Minh bạch không chỉ là khẩu hiệu mà còn phải được thể hiện đầy đủ”, bà nhấn mạnh.