10:32 20/09/2010

Khó bố trí thì sang... hội đồng nhân dân?

Nguyên Phương

Việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân nhiệm kỳ mới (2011 - 2016) đã được khởi động

Ở diễn đàn Quốc hội, đại biểu cao tuổi thường phát biểu nhiều hơn.
Ở diễn đàn Quốc hội, đại biểu cao tuổi thường phát biểu nhiều hơn.
Việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân nhiệm kỳ mới (2011 - 2016) đã được khởi động.

Trọn ngày làm việc cuối tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn về thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận huyện, phường, sửa Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân.

Trước đó một tuần, hội nghị toàn quốc về hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cũng đã được tổ chức với sự tham gia của khoảng 300 đại biểu đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.

Tại đây, với sự lắng nghe của cả người đứng đầu Quốc hội và đứng đầu Chính phủ, những nỗi niềm của cán bộ dân cử lại có dịp được bộc bạch, sẻ chia. Nhất là khi việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường đang ít nhiều tác động không chỉ đến tâm tư của những người công tác tại cơ quan dân cử.

Dù mức độ, góc nhìn khác nhau, song rất nhiều vị đại biểu hội đồng nhân dân đều có chung nỗi niềm về “thực quyền”. Bởi thực tế là ai cũng muốn làm chính quyền, rất ít người tâm huyết với công việc của hội đồng. Điều kiện hoạt động của hội đồng nhân dân còn rất nhiều thiếu thốn. Trong khi chưa có cơ chế và phương thức để hội đồng nhân dân và cử tri đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đại biểu…

Cùng chung đề xuất với nhiều địa phương khác, Ủy viên Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh, đại biểu Lâm Tấn Đông đề nghị bỏ chức danh mà chính ông đang đang đảm nhận. Vì, theo quan niệm thì “thường trực” là làm những việc “thường thường”, lại chỉ là “ủy viên” thì lại càng kém quan trọng. Trong khi các vị ủy viên thường trực vẫn phải đảm nhận công việc của những cương vị cao hơn.

Cũng liên quan đến “thực quyền”, tại buổi họp bàn về các tiêu chí phân bổ ngân sách đầu tuần qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận than thở, cơ chế xin - cho "khiến ai cũng muốn làm bên Chính phủ để có quyền, dù chỉ làm chuyên viên, chứ không chịu sang bên lập pháp".

Và, cách nhìn về đại biểu dân cử, về cơ quan đại diện của dân lại một lần nữa “nóng bỏng” tại phiên thảo luận sau một năm thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua.

Mặc dù không có lời nào trực tiếp “phê” đại biểu và cơ quan dân cử, song nhiều đánh giá tại báo cáo tổng kết bước 1 về thực hiện thí điểm của Chính phủ vẫn vấp phải sự phản ứng không nhẹ của nhiều vị đại biểu của dân.

Quan sát thái độ của các đại biểu dân cử về dự hội nghị toàn quốc về hoạt động của hội đồng nhân dân, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phản ánh: “Hôm đó tôi thấy khá đông đại biểu tỏ thái độ bất bình với cái báo cáo này, coi như sự xúc phạm với hội đồng nhân dân”.

Ông phân tích kỹ hơn: “Xin thưa, người ta rất không hài lòng ở chỗ bỏ hội đồng nhân dân thì mọi thứ đều tăng, giám sát tăng, kiến nghị tăng, giải quyết tốt hơn, nhanh gọn hơn... Mỗi năm đỡ được 85 tỷ đồng. Đấy mới là có mấy huyện, nếu bỏ cả hội đồng nhân dân tỉnh nữa chắc chắn phải được nhiều”.

Rồi ông bức xúc: “Như vậy, hóa ra lâu nay hội đồng nhân dân huyện, quận, phường là một sự cản trở cho hoạt động của ủy ban nhân dân? Cản trở đến mức bây giờ công dân gặp chính quyền thuận lợi hơn. Lâu nay, hễ người dân định gặp chính quyền, gặp ủy ban nhân dân là đại biểu hội đồng nhân dân gây cản trở? Như vậy là thế nào? Cản trở như thế tại sao hội đồng nhân dân được đặt ra từ ngày đầu có nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ hơn 60 năm trước?”.

Vẫn băn khoăn về đánh giá “hoạt động của hội đồng nhân dân còn hình thức”, không ít ý kiến lật lại vấn đề, vậy tại sao không đầu tư để “nó” có thực quyền, mà lại tính chuyện bỏ?

Dùng cách nói dân dã thường thấy, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã đi thẳng vào nguyên nhân khiến cơ quan dân cử và đại biểu dân cử không thể làm việc “hoành tráng” hơn được.

Ông so sánh, ở các bộ, nhiều thì vài ngàn “quân” ít cũng dăm trăm người, còn mỗi ủy ban của Quốc hội chỉ có vài chục người, trong đó chỉ có khoảng 6 đến 7 đại biểu chuyên trách mà bảo “phải làm hoành tráng lên thì cũng hơi quá”. Chưa kể điều kiện làm việc, hiện nay các cơ quan của Quốc hội “ăn đậu ở nhờ tứ tung hết cả”.

Chưa kể, rất nhiều đại biểu kiêm nhiệm, nên không dám nói hết, vì “nói thật thì họ ghét mình, ghét cả con mình”. Theo như quan sát của ông Kiên thì đại biểu cao cao tuổi thì còn phát biểu nhiều, chứ “trung trung tuổi và trẻ tuổi thì ít nói lắm”.

Ngay cả đại biểu cao tuổi mà phát biểu nhiều, khi về địa phương cũng có người “nhắc” rằng, bác nói ít thôi chứ bác nói nhiều “các bộ giềng chúng em chết”.

Quốc hội thì thế, còn ở tỉnh thì hội đồng nhân dân chỉ có 10 cán bộ chuyên trách trở xuống, cấp huyện chỉ có 3 cán bộ chuyên trách, chỗ làm việc thì  phải nhờ cơ quan khác, thế mà bảo phải làm việc “hoành tráng” lên thì “em chịu”, Phó chủ tịch phân tích.

“Kể cả lực lượng và điều kiện vật chất của cơ quan dân cử đều ở thế thấp”, ông Kiên chốt lại.

Khẳng định là “phải tạo điều kiện thì mới có năng lực được”, Chủ tịch Quốc hội nhận xét lâu nay chuẩn bị cán bộ cho hội đồng nhân dân, cụ thể là trong quy hoạch ít tính đến hội đồng nhân dân. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, chỗ nào khó bố trí thì đưa sang hội đồng nhân dân.

* Trong cuộc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 -2009, cử tri cả nước bầu được 306.126 đại biểu. Cấp tỉnh có 3.852 đại biểu, cấp huyện có 23.462 đại biểu; cấp xã có 278.812 đại biểu. Trong nhiệm kỳ đã có 30 tỉnh, thành phố bầu bổ sung được 13 đại biểu cấp tỉnh, 192 đại biểu cấp huyện, 1.788 đại biểu cấp xã.