06:00 06/01/2014

Khó nhận diện lợi ích nhóm

Lê Châu

Trong xã hội có nhiều “nhóm lợi ích” tồn tại một cách khách quan, có tác động hai mặt đến xã hội

“Lợi ích nhóm” ở mặt tiêu cực đề cập hàm nghĩa là một nhóm người nào đó lấy “lợi ích nhóm” mình làm trung tâm...
“Lợi ích nhóm” ở mặt tiêu cực đề cập hàm nghĩa là một nhóm người nào đó lấy “lợi ích nhóm” mình làm trung tâm...
Ngày 3/1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức hội thảo “Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng chống “lợi ích nhóm” ở nước ta hiện nay”.

Có 7 vấn đề chính được tập trung tại hội thảo: “nhóm lợi ích” - cách tiếp cận và nhận diện cơ bản; ảnh hưởng của “lợi ích nhóm” đến sự lãnh đạo của Đảng và sự suy thoái của cán bộ, đảng viên; nhận diện “lợi ích nhóm” trong lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, lĩnh vực ngân hàng, đầu tư công; biểu hiện của “lợi ích nhóm” được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra của Nhà nước; “lợi ích nhóm” trong các vụ án tham nhũng điển hình; kinh nghiệm một số nước trong vấn đề xử lý “nhóm lợi ích”; nhóm lợi ích và giải pháp hạn chế sự thao túng của “nhóm lợi ích”.

Tuy nhiên, cũng như hội thảo “Nhận diện lợi ích nhóm” được Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/1 năm ngoái, các thảo luận mới chỉ dừng lại những tranh luận về mặt khái niệm là chính.

Nói như TS. Tô Quang Thu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: “Việc chưa có sự thống nhất trong nhận diện “lợi ích nhóm” không chỉ gây khó khăn cho những người làm công tác xây dựng Đảng và công tác kiểm tra của Đảng mà bản thân những người làm công tác nghiên cứu khoa học cũng gặp khó khăn”.

Phân tích về sự khác nhau hoàn toàn giữa nội hàm hai cụm từ “nhóm lợi ích” và “lợi ích nhóm”, ông Thu cho rằng, “nhóm lợi ích” hàm nghĩa là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó tác động vào các chính sách của chính phủ. Trên thực tế, trong xã hội có nhiều “nhóm lợi ích” tồn tại một cách khách quan, có tác động hai mặt đến xã hội.

Mặt tích cực là truyền tải thông tin giữa nhóm lợi ích và chính phủ, cũng như là đầu mối vận động ủng hộ các hoạt động, chính sách của chính phủ. Mặt tiêu cực là vì mục tiêu cục bộ của nhóm có thể làm sai lệch chính sách của chính phủ và làm tha hóa công chức quản lý nhà nước.

Còn “lợi ích nhóm” cũng có vai trò, tác động từ hai hướng: tích cực và tiêu cực. “Lợi ích nhóm” ở mặt tiêu cực đề cập hàm nghĩa là một nhóm người nào đó lấy “lợi ích nhóm” mình làm trung tâm, làm mục tiêu duy nhất để hành động, xa rời lợi ích chung của đất nước, của xã hội. Nguồn gốc sâu xa chính là chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết đến mình, đến nhóm, bộ phận của mình mà không đoái hoài đến lợi ích của những người khác, của tập thể, quốc gia, dân tộc...

Hiện có 5 tác động tiêu cực của nhóm lợi ích trục lợi ở Việt Nam, theo khái quát của PGS.TS Ngô Văn Thạo, Ban Tuyên giáo Trung ương. Thứ nhất, là trở lực lớn trong quá trình thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm méo mó chính sách, ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước, xã hội, tập thể và công dân, xâm phạm quyền và lợi ích của công dân.

Thứ ba, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức, đảo lộn những chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội.

Thứ tư, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Thứ năm, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, gây mất ổn định chính trị, đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ...

Hơn hai năm trước, lần đầu tiên, vấn đề lợi ích nhóm được đề cập tại một diễn đàn chính thức là hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 (tháng 10/2011), trong bài phát biểu kết thúc hội nghị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi đó, Tổng bí thư đã cảnh báo nguy cơ “lợi ích nhóm” rằng: “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối...”.

Sau đó, trong tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội thứ 4, Tổng bí thư cũng tiếp tục nhắc đến nguy cơ này trực diện hơn, rằng lợi ích nhóm là một thứ liên kết móc ngoặc với nhau thành đường dây vì “miếng ăn”...

Suốt cả năm 2012, vấn đề “lợi ích nhóm” luôn là tâm điểm của dư luận như trong một bài viết nhân ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân (22/12/2012), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có mô tả: “Gần đây, báo chí và dư luận hằng ngày đề cập đến những “nhóm lợi ích”, đâu đó có hành vi thâu tóm quyền lực kinh tế làm cho lòng dân không yên”.

Diễn đàn Quốc hội cũng trải qua những kỳ họp ròng rã với muôn vàn bức xúc, trăn trở của đại biểu Quốc hội về “lợi ích nhóm”. Tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2012) Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Bình Dương Huỳnh Ngọc Đáng kêu gọi Quốc hội cảnh giác với tác động của các nhóm lợi ích, không chỉ trong các tháng còn lại của năm 2012, mà cả trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, một công việc hệ trọng của đất nước hiện nay, dự kiến sẽ còn phải kéo dài trong nhiều năm tới...

Ông Đáng tiếp tục nhắc lại vấn đề này tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013) một cách gay gắt hơn khi nhận định, trong bức tranh kinh tế đất nước đang có nhiều mảng tối, thì sự hiện diện của nhóm lợi ích, càng khiến nó trở nên tối tăm hơn. Sự tồn tại và thao túng của nhóm lợi ích, khiến cho không ít doanh nghiệp hiện chỉ còn cách ngao ngán và nín thở chờ bị thôn tính...

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)