19:40 04/05/2017

Khối nợ đang đe doạ chủ đầu tư cao tốc hiện đại nhất Việt Nam

Kiều Linh

Vidifi lo ngại phương án tài chính cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có thể bị phá vỡ

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dự kiến mãn tải sau 18 năm vận hành.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dự kiến mãn tải sau 18 năm vận hành.
Báo cáo thường niên của một công ty liên kết với Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho thấy, trung bình mỗi ngày, Vidifi thu về gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí vận hành lãi vay cũng như khấu hao dẫn đến bình quân, hiện mỗi ngày chủ đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lỗ gần 5 tỷ đồng.

Lý giải về khoản lỗ này, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Vidifi khẳng định, việc dự án chịu lỗ trong những năm đầu là điều hết sức bình thường, thực chất đây là khoản lỗ theo phương án tài chính.

Theo phương án tài chính cập nhật năm 2016, dự kiến sau 16 năm vận hành mới cân đối được dòng tiền, tức nguồn thu mới đủ để chi trả lãi vay và lợi nhuận vốn chủ sở hữu phát sinh trong năm.

Tuy nhiên, ông Tỉnh cũng thừa nhận, thực tế, số tiền thu phí chưa trả đủ lãi vay do chi phí đầu tư lớn, vay vốn thương mại trong khi chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa thực hiện được.

Cụ thể, khoản hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 4.069 tỷ đồng vẫn chưa được Nhà nước bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.

Ông Tỉnh nói, theo quy định, đối với các dự án quan trọng, Nhà nước phải bố trí vốn ngân sách để bồi thường, giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư ngay từ khi bắt đầu triển khai.

Đối với dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhà đầu tư phải bỏ vốn thực hiện giải phóng mặt bằng trên 8 năm, và hiện đang phải trả lãi suất vay 10%/năm.

Theo Vidifi, nếu phần hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án không được bố trí vào kế hoạch trung dài hạn 2016-2020 như cam kết của Chính phủ theo Quyết định 746/QĐ-TTg, thì sẽ phá vỡ phương án tài chính của dự án và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhà đầu tư, ngân hàng huy động và cho vay vốn, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước đã tài trợ cho dự án.

Do đó, Vidifi đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải xem xét sớm bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để hỗ trợ khoản chi phí giải phóng mặt bằng của dự án.

Doanh nghiệp này cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính cấp bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển để có cơ sở huy động các nguồn vốn nước ngoài cho dự án hoặc cho phép Ngân hàng Phát triển phát hành trái phiếu để huy động vốn cho dự án, không phải chờ ghi kế hoạch trung hạn 2016-2020 các khoản hỗ trợ cho dự án.

Đồng thời, tái cơ cấu khoản vay 300 triệu USD để phương án tài chính dự án không bị đổ vỡ, đảm bảo khả năng hoàn vốn đầu tư của dự án.

Theo quyết định phê duyệt dự án, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.587 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 30.500 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng gần 3.700 tỷ đồng, chi phí tư vấn gần 1.160 tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến là 105,5 km, tốc độ thiết kế 120 km/giờ, có 6 trạm thu phí.

Theo báo cáo của Vidifi, lưu lượng xe trên đường bình quân năm 2016 đạt 20.000-25.000 lượt xe/ngày đêm, thời điểm đầu tháng 3/2017 đạt 28.000 lượt xe/ngày đêm.

Lưu lượng tham gia giao thông trên cao tốc hiện chiếm khoảng 50% tổng lưu lượng giao thông tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Được xem là đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, dự kiến, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ mãn tải vào sau 18 năm khai thác.