10:16 17/01/2016

Không để lọt người “kém chất lượng” vào Quốc hội

Nguyễn Lê

Cuộc bầu cử trước đã đưa vào danh sách bầu một số người không đảm bảo chất lượng, theo Chủ tịch Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý cần chọn người đủ tiêu chuẩn để cử tri lựa chọn bầu vào Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý cần chọn người đủ tiêu chuẩn để cử tri lựa chọn bầu vào Quốc hội.
"Người không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu mà lại lọt vào danh sách để bầu là không được", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tại phiên họp sáng 16/1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nội dung chính của phiên thảo luận này là quy định về việc tổ chức hội nghị cử tri, việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung.

Trước những băn khoăn về quy trình lấy ý kiến cử tri về những người tự ứng cử, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Văn Pha nêu một ví dụ được ông cho là rất điển hình ở cuộc bầu cử lần trước.

Đó là tại một xã ở huyện Giao Thuỷ tỉnh Nam Định, có 34 người tự ứng cử, trong đó có 31 người đủ tiêu chuẩn. Cử tri thảo luận đưa vào danh sách 8 người để bầu vào hội đồng nhân dan cấp xã. Ba người trúng cử sau đó đều phát triển rất tốt, giữ chức vụ chủ chốt ở xã này.

"Cần tin tưởng sự lựa chọn của cử tri", ông Pha nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, với những người được giới thiệu thêm, người tự ứng cử phải có quy trình hiệp thương, xem xét điều kiện chặt chẽ hơn.

Ông cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ cuộc bầu cử trước do quá trình chuẩn bị không kỹ, không chu đáo nên đã đưa vào danh sách bầu một số người không đảm bảo chất lượng.

"Lần này tất cả những người được giới thiệu để bầu làm đại biểu Quốc hội đều phải đủ tiêu chuẩn để từ danh sách đó cử tri chọn người ưu tú hơn", ông lưu ý.

Bên cạnh nội dung nói trên, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú với người ứng cử cũng còn có những băn khoăn, nhất là về số lượng người tham dự.

Sau khi tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Pháp luật, ông Pha cho biết sẽ quy định nếu số cử tri nơi công tác của người ứng cử dưới 100 người thì sẽ mở hội nghị toàn thể và phải đảm bảo ít nhất có 2/3 số người tham dự.

Còn nếu có 100 cử tri trở lên thì không nhất thiết mở hội nghị toàn thể, nhưng ít nhất phải có 70 cử tri tham dự.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng cần xem lại quy định này. Ông Phúc lấy ví dụ ngay từ Văn phòng Quốc hội  có 114 ứng cử viên và có hơn 1000 cử tri. Nếu quy định chỉ cần 70 người tham dự hội nghị cử tri thì số người ứng cử gấp đôi số cử tri. Quy định này không khách quan, không dân chủ chút nào cả, ông Phúc nhận xét.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc rất kỹ ý kiến của ông Phúc để đảm bảo tính đại diện và sự dân chủ.