08:41 24/05/2017

Không điều khoản nào cụ thể, có cần ban hành luật?

Nguyễn Lê

Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới nhất vẫn khiến đại biểu Quốc hội băn khoăn

Đại biểu Hoàng Quang Hàm góp ý Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm góp ý Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các quy định trong luật còn quá chung chung, 36 điều với 16 trang hầu như không có điều, khoản nào cụ thể- đại biểu Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - ngân sách nhận xét dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội, chiều 23/5.

Qua nhiều vòng thảo luận, dự kiến thông qua tại kỳ họp này của Quốc hội, song dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới nhất vẫn khiến đại biểu Quốc hội chưa yên tâm.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm nhìn nhận, mục tiêu có được một luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thì có vẻ đã hoàn thành, nhưng để luật đi vào cuộc sống và thực sự hỗ trợ được doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đại biểu rất băn khoăn.

Đành rằng luật mang tính nguyên tắc, sẽ tiếp tục triển khai bằng các luật chuyên ngành, các nghị định nhưng nếu quả thực như vậy thì có cần thiết ban hành luật không? - đại biểu đặt vấn đề.

Nhấn mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thì quan trọng nhất là thể chế và nguồn lực, ông Hàm phân tích thể chế thì phải chờ sửa các luật thuế, còn về nguồn lực thì dự thảo quy định 4 nguồn lực.

Thứ nhất là vốn hỗ trợ có tín dụng bảo lãnh của Nhà nước nhưng luật quy định là tùy từng thời kỳ Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ, tức là luật chưa có quy định. 

Thứ hai là hỗ trợ từ ngân sách, không có hướng dẫn cụ thể trong luật về mức hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ và thực sự ngân sách trong giai đoạn này rất khó khăn và ngân sách nhà nước cũng đang triển khai nhiều các chính sách để hỗ trợ. Nên giai đoạn tới duy trì được như vậy thì đã rất đáng mừng và còn quy định thêm thì luật chưa cụ thể và rất khó khăn về nguồn.

Thứ ba là hỗ trợ về miễn, giảm thuế thì luật quy định là chờ sửa các luật thuế, tức là cũng chưa thực hiện được.

Thứ tư là nguồn vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhưng luật cũng chưa quy định cụ thể huy động nguồn vốn này như thế nào và huy động nguồn vốn này phải tuân theo thị trường, nghĩa là mang lại lợi ích về đầu tư, trong luật cũng chưa quy định rõ ràng. 

"Bốn nguồn lực này tôi chưa thấy rõ trong luật và đối với ngân sách thì tương đối khó khăn, mặc dù ngân sách giai đoạn trước cũng đã hỗ trợ tương đối nhiều, tôi nghĩ tiếp tục duy trì đã là một điều phấn khởi" - ông Hàm nhấn mạnh.

Cùng chung nhận xét, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng nội dung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất chung chung, chưa cụ thể. 

Ví dụ, nhà nước khuyến khích hay doanh nghiệp nhỏ và vừa được các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp để nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng. Các quy định này rất khó để có thể xác định được cụ thể doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ những gì, như thế nào và ra sao, đơn vị cụ thể nào hỗ trợ. 

Quan tâm đến quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được quy định tại dự thảo, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) băn khoăn: quỹ này do ai thành lập, quản lý và tổ chức hoạt động như thế nào? Cần quy định rõ chủ thể thành lập, vấn đề quản lý và hoạt động có vì mục tiêu lợi nhuận hay không vì mục tiêu lợi nhuận - đại biểu Tám góp ý.

Phát biểu cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ nhất ý kiến mà các đại biểu đã góp ý. 

"Tuy nhiên, có một số ý kiến, trong quá trình soạn thảo đã có nghiên cứu nhưng trong thực tế thì rất khó có thể đưa vào để luật hóa được. Hoặc có những vấn đề cần phải nghiên cứu tiếp, do vậy chúng tôi, cơ quan soạn thảo sẽ cố gắng tiếp thu tối đa nhưng không phải hết tất cả những ý kiến của các đại biểu được", Bộ trưởng Dũng nói.

Hồi âm nhận xét luật còn thiếu cụ thể của các đại biểu, Bộ trưởng giải thích nếu luật khung thì có thể tùy thuộc vào tình hình thực tế, mục tiêu hỗ trợ trong từng thời kỳ và nguồn lực của ngân sách nhà nước chính phủ sẽ linh hoạt hơn và sẽ có những quy định phù hợp trong từng thời kỳ.

Tinh thần là hỗ trợ cho các tổ chức trung gian để các tổ chức trung gian hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không phải hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng ngân sách hay bằng hình thức khác - Bộ trưởng giải thích.

Theo nghị trình, sáng 12/6 Quốc hội bỏ phiếu quyết định về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.