10:03 11/08/2011

“Kiểm toán Nhà nước cũng phải biết khen”

Lê Hường

Tân Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng nói về dự định trên cương vị mới

Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng.
Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng.
Chia sẻ về những dự định cả gần và xa trên cương vị mới, tân Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng cho rằng, nếu các đơn vị được kiểm toán quản lý tốt ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cần phải “khen” để chứng tỏ sự công tâm và toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ.

Thưa ông, trong giai đoạn hiện nay, Tổng kiểm toán Nhà nước được ví như ngồi vào chiếc ghế "nóng", ông có cảm thấy áp lực về điều này?

Nhiều người xem việc đảm nhận vị trí Tổng kiểm toán Nhà nước như ngồi trên một chiếc ghế "nóng", cách hiểu này xuất phát từ việc hoạt động kiểm toán sẽ đụng chạm đến nhiều đơn vị, cá nhân, chỉ ra những cái sai sót, gian lận và kết luận, kiến nghị sửa chữa, thu hồi nộp ngân sách nhà nước, kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể. Trong những trường hợp nghiêm trọng, kiểm toán Nhà nước sẽ đề nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét theo thẩm quyền.

Mặt khác, Kiểm toán Nhà nước cũng có vai trò quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán tính tuân thủ, kiểm toán tính hiệu quả, hiệu lực của việc quản lí, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước... là vấn đề rất khó và nhiều thách thức. Với ý nghĩa đó, mọi người có thể nghĩ là “nóng” và nhiều áp lực...

Nếu tìm hiểu sâu về nghề kiểm toán, chúng ta sẽ thấy được các kiểm toán viên đều thực hiện kiểm toán trên cơ sở các chuẩn mực, quy trình kiểm toán cũng như các quy định pháp luật để có những đánh giá nhiều chiều, điều này sẽ có tác dụng rất lớn đối với các đơn vị được kiểm toán nói riêng và xã hội nói chung.

Đặc biệt là với chức năng tư vấn, Kiểm toán Nhà nước sẽ có những kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội và các Bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan sửa đổi những quy định cho phù hợp với thực tiễn hơn. Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước sẽ giúp cho các đơn vị được kiểm toán sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước đúng pháp luật và hiệu quả hơn.

Trong quá trình kiểm toán, để đưa ra những kết luận và kiến nghị kiểm toán xác đáng giúp cho đơn vị kiểm toán quản lý vốn, tài sản ngày càng hiệu quả hơn, đồng thời để Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt chức năng tư vấn, Kiểm toán Nhà nước phải thu thập đầy đủ những bằng chứng cụ thể, thích hợp. Do vậy tôi lại cho rằng thực tế đây là yêu cầu bắt buộc, yêu cầu khách quan, không có gì là áp lực.

Những việc đầu tiên ông dự định sẽ triển khai khi đảm nhận cương vị người đứng đầu ngành Kiểm toán Nhà nước?

Việc đầu tiên tôi sẽ thực hiện cùng với các đồng chí trong Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước rà soát lại nhiệm vụ công tác năm nay để cùng toàn ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách tích cực, có hiệu quả và đúng kế hoạch. Trước hết là thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng nhiệm vụ kiểm toán năm 2011 và xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2012.

Với những kết quả, thành tích đạt được trong nhiều năm qua, tôi hy vọng trong thời gian tới toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy những hiệu quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, tồn tại mà chúng ta đang gặp phải. Kiểm toán Nhà nước cần phải làm cho các đơn vị nhận thấy, Kiểm toán Nhà nước sẽ giúp chính bản thân đơn vị quản lý tốt hơn và phối hợp với Kiểm toán Nhà nước ngày càng chặt chẽ, tích cực hơn.

Xa hơn một chút là tôi sẽ cùng toàn ngành tiếp tục triển khai hiệu quả và đúng lộ trình Chiến lược và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 đã được phê duyệt.

Được biết, ông đã trải qua nhiều vị trí công tác trong quản lý kinh tế, tài chính trước khi đảm nhiệm vị trí thứ trưởng, chủ tịch, bí thư tỉnh uỷ... bề dầy kinh nghiệm đó sẽ có lợi thế như thế nào trong cương vị mới tại Kiểm toán Nhà nước?

Trong quá trình công tác của mình tôi đã có thời gian dài làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực quản lý tài chính - kế toán; trực tiếp từ nhân viên, tới phó phòng, trưởng phòng, kế toán trưởng công ty và tổng công ty, và lên vụ trưởng phụ trách công tác này. Khi đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Xây dựng tôi cũng được giao phụ trách lĩnh vực tài chính kế toán, đổi mới doanh nghiệp, kinh tế xây dựng, thanh tra xây dựng... Tôi nghĩ, trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực công tác khác nhau là điều hết sức thuận lợi khi đảm nhận vị trí Tổng kiểm toán Nhà nước.

Theo tôi, ngoài việc căn cứ vào các chuẩn mực, quy trình kiểm toán, các quy định của pháp luật, bằng chứng kiểm toán thu thập được, khi nhận xét, đánh giá vấn đề, Kiểm toán Nhà nước phải nhìn nhận một cách tổng thể, khách quan và nhiều chiều. Có như vậy, kết luận và kiến nghị kiểm toán mới có tính khả thi, thuyết phục được đơn vị được kiểm toán.

Điều này có nghĩa là việc tuân thủ pháp luật phải đặt lên hàng đầu nhưng trong thực tiễn, nếu phát hiện quy định của pháp luật không phù hợp, khi thực hiện kém hiệu quả, Kiểm toán Nhà nước phải thu thập bằng chứng để kiến nghị với các cơ quan chức năng có liên quan sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bên cạnh việc kiến nghị sửa đổi hạn chế, khắc phục sai sót, nếu các đơn vị được kiểm toán quản lý tốt ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cần phải “khen” để chứng tỏ sự công tâm và toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ.

Kinh nghiệm tích lũy được qua nhiều vị trí công tác khác nhau sẽ giúp tôi thực hiện tốt trách nhiệm của người đứng đầu và hy vọng Kiểm toán Nhà nước sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn sự kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân.