11:51 25/10/2011

Kiến nghị ban hành luật về tái cơ cấu nền kinh tế

Nguyên Hà

Nhiều ý kiến đề nghị thành lập ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế và trao cho ủy ban những quyền hạn đặc biệt

Nhiều kiến nghị được đúc kết từ ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng năm 2012 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015" cuối tháng 9 vừa qua - Ảnh CTV.
Nhiều kiến nghị được đúc kết từ ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng năm 2012 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015" cuối tháng 9 vừa qua - Ảnh CTV.
Nằm trong các kiến nghị về tái cấu trúc nền kinh tế được Ủy ban Kinh tế tập hợp từ hội thảo khoa học về kinh tế vĩ mô dự kiến sẽ được gửi tới Quốc hội trong tuần này, nhiều đề nghị cụ thể về cải cách thể chế đã được đưa ra mạnh mẽ.

Bản kiến nghị nêu rõ, để có thể triển khai đồng bộ và quyết liệt các chính sách tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và khu vực ngân hàng là những chính sách có thể ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều nhóm đối tượng và nhiều bộ ngành khác nhau.

Bởi thế, đề nghị được đưa ra là Quốc hội cần có nghị quyết hoặc nghiên cứu ban hành luật về tái cơ cấu nền kinh tế. Theo đó, thành lập ủy ban tái cơ cấu do Thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch.

Trong thành phần ủy ban này phải có chuyên gia độc lập, bản kiến nghị nhấn mạnh.

Cùng mạch phân tích, cơ quan nêu kiến nghị cho rằng, nghị quyết hoặc luật về tái cơ cấu nền kinh tế sẽ sửa đổi các luật hiện hành có những quy định gây vướng mắc cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và trao cho ủy ban những quyền hạn đặc biệt.

Ban hành luật về tái cơ cấu nền kinh tế chỉ là một trong những nội dung lớn tại kiến nghị về đổi mới công tác hoạch định và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô theo hướng tuân theo các nguyên tắc của thị trường, phối hợp các chính sách khoa học, ổn định và thực hiện nhất quán theo các mục tiêu chung.

Nhấn mạnh rằng công tác hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô cần được "tái cấu trúc", theo phân tích tại kiến nghị, thời gian qua các chính sách thường thiên về các biện pháp hành chính gây khá nhiều tranh cãi bởi các nguyên nhân căn bản không được giải quyết tận gốc, trong khi nguồn lực phân bổ kém hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, không thể không nói tới tác động của các nhóm lợi ích.
 
Hướng đổi mới được đề nghị là các công cụ chính sách vĩ mô cần phải được phối hợp và thực thi nhất quán theo mục tiêu chung của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ không những phải phối hợp hiệu quả với các chính sách khác mà bản thân chính sách này cũng phải được thực thi một cách nhất quán.

Khi đã tuyên bố chính sách tiền tệ chặt chẽ nghĩa là đã tác động đến kỳ vọng lạm phát của công chúng và nếu công chúng tin chính sách tiền tệ thắt chặt, kỳ vọng lạm phát sẽ giảm và cuộc chiến chống lạm phát sẽ giảm thiểu được chi phí.

Tuy nhiên, một khi lạm phát và kỳ vọng lạm phát có xu hướng giảm, chính sách tiền tệ lại nới lỏng vì mục tiêu tăng trưởng, công chúng sẽ không còn tin vào chính sách tiền tệ chặt chẽ nữa và cuộc chiến chống lạm phát sẽ vô cùng tốn kém, bản kiến nghị nêu rõ.

Những phân tích này nằm trong mối liên hệ trong vài năm qua, thường đầu năm khi lạm phát cao thì chính sách tiền tệ được thắt chặt, nhưng khi đã có một chút thành tựu trong việc giảm lạm phát và khi doanh nghiệp phàn nàn vì lãi suất tăng cao thì chính sách tiền tệ lại được nới lỏng và vòng xoáy lạm phát quay trở lại.

Do vậy, đảm bảo tính nhất quán trong điều hành chính sách là vô cùng quan trọng cho sự ổn định kinh tế vĩ mô giai đoạn tới.

Trong mối liên hệ này, bản kiến nghị cho rằng, ngân hàng Nhà nước cần có vị thế độc lập hơn (một cách tương đối) với Chính phủ trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Các định hướng đổi mới tiếp theo được nhấn mạnh là việc hoạch định chính sách vĩ mô phải nhằm tối đa hóa phúc lợi của tổng thể xã hội và nền kinh tế chứ không phải cho một nhóm các doanh nghiệp nào đó.

Đồng thời, cũng cần tạo cơ chế hoạch định chính sách khoa học, ổn định, nhằm phản ứng nhanh trước những biến động không ngừng của nền kinh tế thế giới. Việc xây dựng các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội cũng như các kế hoạch kinh tế, xã hội, thay vì đưa ra các chỉ tiêu định lượng cụ thể, có thể chỉ đưa ra các chỉ tiêu mang tính định hướng.

Cuối cùng, kiến nghị được chốt lại với đề nghị cải cách thể chế phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và hoạt động xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13. Trong đó cần ưu tiên và tập trung xây dựng ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành có liên quan như Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, kế hoạch, Luật quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.

Cũng liên quan đến yêu cầu bức thiết tái cơ cấu nền kinh tế, tại 10 kiến nghị của ổn định kinh tế vĩ mô gửi đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 13 vào tháng 7 năm nay, Ủy ban Kinh tế khóa 12 cũng đã nhấn mạnh: đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững là một yêu cầu cấp bách để giải quyết tận gốc rễ các nguyên nhân gây ra bất ổn vĩ mô trong ngắn hạn.

Và một trong các nội dung cụ thể được đưa ra là cần tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, loại bỏ những ngân hàng quá yếu kém, là tác nhân của các cuộc đua lãi suất, gây bất ổn và rủi ro cho toàn hệ thống.