07:44 01/11/2013

Kiến nghị “cơ chế đặc biệt” cho ngư dân để bảo vệ biển Đông

Hoài Ngân

Cần có “cơ chế đặc biệt” để hỗ trợ ngư dân ra khơi, qua đó tăng cường bảo vệ biển Đông

Đại biểu Quốc hội Lê Nam.<br>
Đại biểu Quốc hội Lê Nam.<br>
Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, hôm 31/10, một đại biểu đã đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần có “cơ chế đặc biệt” để hỗ trợ ngư dân ra khơi, qua đó tăng cường bảo vệ biển Đông.

Người đưa ra kiến nghị này là đại biểu Lê Nam, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Theo ông Nam, bảo vệ chủ quyền trên biển Đông đi liền với chính sách đối với ngư dân là “việc rất đại sự, thuộc trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ở trung ương và chính quyền các cấp”.

Ông dẫn câu chuyện Bộ trưởng Cao Đức Phát từng phát biểu ngày 9/9/2013 tại thành phố Đà Nẵng: "Chúng tôi ước gì xung quanh đảo Trường Sa toàn ngư dân ta, lúc nào cũng đông nghịt, trên 1.000 chiếc, đồng nghĩa với hơn 10.000 ngư dân có mặt trên biển".

Ông nói: “Ước mong của Bộ trưởng Cao Đức Phát, tôi nghĩ phải trở thành chương trình, kế hoạch của Chính phủ để đến năm 2015, chúng ta có mấy trăm tàu, đến năm 2020 sẽ có hàng ngàn tàu”.

“Ý tưởng đó nếu thành hiện thực thì tôi tin ngư dân cả nước bây giờ và cả về sau sẽ rất biết ơn”.

Đại biểu này cũng cho biết, sau kỳ họp thứ 5, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã ra thăm quần đảo Trường Sa. Trong chuyến đi đó đoàn đã mang phiên bản trống đồng Đông Sơn ra Trường Sa, thêm một sự khẳng định về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

“Các đại biểu Quốc hội đã chứng kiến những gian lao, những quyết tâm, tình yêu, tinh thần trách nhiệm với người lính sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Chính phủ đã mua thêm tàu ngầm, máy bay, các vũ khí hiện đại tăng cường sức chiến đấu cho quân đội. Đó là việc phải làm và tiếp tục phải làm”, ông nói.

Cuối những năm 90 đã có chương trình đánh bắt xa bờ, chương trình vận tải biển, cơ khí biển, bãi ngang, hỗ trợ dầu... với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng dành cho kinh tế biển. Tuy nhiên, theo ông Nam, “công sức, tiền bạc bỏ ra rất nhiều nhưng rốt cuộc để bay theo những tư duy nhiệm kỳ lãng mạn, còn hệ quả thì xuyên thế kỷ”

“Tiền bạc bỏ ra như vậy nhưng hiện nay 70% tàu thuyền của ngư dân cũ nát, công suất thấp, không đủ điều kiện tham gia vùng đánh cá vịnh Bắc Bộ. Chưa nói gì đi Hoàng Sa, Trường Sa. Phương thức đánh bắt vẫn như xưa và do chỉ ở ven bờ, tài nguyên ngày càng cạn kiệt, nên việc dùng mìn và xung điện tăng lên”, ông nói thêm.

Do những khó khăn trên nên khi tham gia vào vùng đánh cá chung, ngư dân Việt Nam luôn bị lép vế với ngư dân Trung Quốc do họ có tàu lớn hơn, được hỗ trợ chu đáo hơn, được bảo vệ, quản lý chặt chẽ hơn. Vì vậy, nên sản xuất của ngư dân thua lỗ, đang diễn ra tình trạng rất đáng báo động, ngư dân ta bỏ đánh bắt, đi làm thuê cho tàu cá Trung Quốc.

Trong khi đó, các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của Việt Nam chủ yếu hoạt động ven bờ, thuần về kiểm tra thủ tục hành chính, còn lực lượng hoạt động hỗ trợ ngư dân trên biển, duy trì luật pháp Việt Nam còn thiếu vắng.

Gần đây, chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt ở biển xa dành cho các tỉnh miền Trung theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, sau 3 năm đã hỗ trợ cho ngư dân 760 tỷ đồng. Mặc dù số tiền đang còn ít ỏi, thời gian chưa dài và vẫn còn nhiều bất cập nhưng đã có tác dụng rất tích cực, được ngư dân một số tỉnh rất hoan nghênh, theo ông Nam.

Tuy nhiên, chính sách đó “chỉ có khả năng hỗ trợ cho một số ít ngư dân và thực trạng chung khó khăn của ngư dân vẫn đang còn nguyên đó”.

“Hiện có nhiều cơ quan liên quan chức năng đến biển đảo nhưng lại thiếu một cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà nước rõ ràng và để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân thật sự có hiệu quả. Thực trạng trên đây cho thấy ngư dân của Việt Nam ngày càng gặp khó khăn, bất lợi trong sản xuất để mưu sinh, do đó họ chưa thật sự là trụ cột quan trọng nhất trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ông Nam nhấn mạnh.