15:05 16/09/2011

Kiến nghị hạn chế nhà thầu Trung Quốc vào các dự án điện

Bảo Anh

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có bản kiến nghị gửi lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Một trong những nguyên nhân khiến các dự án điện chậm tiến độ là do năng lực nhà thầu - Ảnh: Reuters.
Một trong những nguyên nhân khiến các dự án điện chậm tiến độ là do năng lực nhà thầu - Ảnh: Reuters.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có bản kiến nghị gửi lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng, trong đó có nội dung là nên hạn chế các nhà thầu đến từ Trung Quốc.
 
Trong kiến nghị gửi lên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mới đây, VEA cho hay, trước đó một hội nghị do cơ quan này tổ chức với sự tham dự của các chủ đầu tư, các nhà thầu, các tổ chức tín dụng, các chuyên gia kinh tế, năng lượng... đã đi sâu phân tích nguyên nhân gây nên sự chậm trễ các dự án điện trong Quy hoạch điện 6 cũng như đề xuất các giải pháp thực hiện Quy hoạch điện 7 và các dự án khai thác, chế biến than, dầu khí...

Theo VEA, bằng các nghị quyết, quyết sách của mình, Đảng và Nhà nước đã khẳng định “năng lượng phải luôn được phát triển trước một bước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”.

Do đó, ngoài việc thu xếp nguồn vốn, vấn đề đảm bảo tiến độ thực hiện dự án phải được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Việc đưa vào vận hành thương mại các dự án năng lượng đúng tiến độ sẽ góp phần tác động tích cực đến phát triển nền kinh tế của đất nước, đồng thời nói lên việc thực hiện nghiêm túc các quy hoạch và chiến lược đã đề ra được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện 6 đều bị chậm tiến độ như các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Pleikrông, Bản Vẽ…; nhà máy điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2; các nhà máy nhiệt điện: Uông Bí (mở rộng 1), Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Vũng Áng 1, Sơn Động, Mạo Khê, Nông Sơn, Ô Môn 1…; trong đó các nguồn điện phải điều chỉnh tiến độ chậm lại 1-2 năm là phổ biến, thậm chí đến 3 năm trở lên như các nhà máy nhiệt điện: Uông Bí (mở rộng 1), Mạo Khê, Nông Sơn, Vũng Áng 1, Ô Môn 1…

Đặc biệt các dự án do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận như: Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và nhà đầu tư tư nhân như Kiên Lương… đều bị chậm, có những dự án đến nay chưa triển khai, chậm tiến độ từ 2 - 3 năm.

Kết quả đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, lý do chủ yếu khiến các dự án trên chậm tiến độ là do năng lực nhà thầu yếu, thiếu kinh nghiệm và không thu xếp được tài chính.

Ở nhiều dự án, nhà thầu hứa cung cấp đủ vốn cho dự án, nhưng thực chất là thiếu công nghệ, thiết bị không đồng bộ, thậm chí một số dự án, chất lượng thiết bị của Trung Quốc không bằng thiết bị của các nước phát triển, do đó dẫn đến việc triển khai các dự án vừa chậm trong xây dựng và cả chậm trong quá trình hoàn chỉnh để đưa dự án vào vận hành.

Ngoài ra, theo VEA, tại các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận, họ đều đưa toàn bộ công nhân nước này sang làm, không thuê kỹ sư, công nhân của Việt Nam, do đó không tận dụng được lao động nội lực, tạo công ăn việc làm cho các địa phương có dự án.

Cũng theo VEA, ngoài những khó khăn trong việc huy động vốn, còn có nguyên nhân khiến các dự án nhiệt điện chậm tiến độ là do hiện Việt Nam chưa ban hành tiêu chuẩn thiết kế nên phải áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, chủ yếu là tiêu chuẩn Trung Quốc. Điều này đã gây nên nhiều khó khăn, kéo dài thời gian do phải dịch thuật, thẩm định, trình duyệt. Chưa nói tiêu chuẩn của Trung Quốc không phải là tiêu chuẩn tiên tiến.

Trong một số trường hợp, các văn bản pháp lý của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực đầu tư không đồng bộ, thậm chí trái ngược nhau đã dẫn đến các chủ đầu tư phải mất nhiều thời gian làm lại các thủ tục, hoặc phải chờ xin ý kiến hướng dẫn.

Trước thực tế đó, VEA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét việc đơn giản hoá một số thủ tục đầu tư, nhằm tăng tính tự chủ cho các chủ đầu tư. Đồng thời cho phép thực hiện song song nhiều công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để giảm bớt thời gian chờ đợi giữa các thủ tục như: lập thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu, kể cả đàm phán hợp đồng EPC (nếu áp dụng hình thức chỉ định thầu) đối với các dự án điện.

Chính phủ cũng cần có những cơ chế đặc thù cho các ngân hàng thương mại trong nước khi tham gia thu xếp vốn cho dự án như bảo lãnh các khoản vay trong và ngoài nước, được sử dụng trước nguồn vốn đầu tư của các ngân hàng trong nước…

Đặc biệt, theo VEA, Chính phủ cần động viên, khuyến khích các nhà thầu, các nhà đầu tư trong nước kể cả tư nhân có vốn, đủ điều kiện liên danh, liên kết với nước ngoài (các nước G7, châu Âu) để đầu tư phát triển mạnh các nguồn nhiệt điện chạy than.

Khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bằng các hình thức BOT, BOO, IPP, nếu xét thấy họ có đủ năng lực, kinh nghiệm, tài chính nên lựa chọn các nhà đầu tư các nước phát triển.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý nên thực hiện quy chế đấu thầu, lấy các yêu cầu về năng lực của nhà thầu, nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tài chính mạnh, chất lượng thiết bị tốt chứ không phải lựa chọn nhà thầu bằng cách đấu giá như trong thời gian qua, đồng thời, nên hạn chế các nhà thầu Trung Quốc.