08:39 06/11/2014

Kiên trì quan điểm quân đội có 3 đại tướng

Nguyễn Lê

Quốc hội thảo luận những vấn đề khác nhau của dự án Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tại hội nghị quân chính Tổng cục 2, tháng 1/2014 - Ảnh: QĐND.<br>
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tại hội nghị quân chính Tổng cục 2, tháng 1/2014 - Ảnh: QĐND.<br>
Sáng 6/11, báo cáo Quốc hội tiếp thu chỉnh sửa dự thảo Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn giữ quan điểm quy định trần quân hàm Đại tướng đối với Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Tổng tham mưu trưởng, tương đương quân hàm của Bộ trưởng Quốc phòng.

Cụ thể, về vấn đề trần quân hàm cấp tướng, ở cấp bậc quân hàm Đại tướng, báo cáo cho biết đến thời điểm này, vẫn có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trần quân hàm Đại tướng của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong mối tương quan với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và của Tổng tham mưu trưởng quân đội vì về mặt nhà nước, Tổng tham mưu trưởng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Quy định cả 3 vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng tham mưu trưởng quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng cùng có trần quân hàm Đại tướng, theo hướng lập luận này, sẽ mâu thuẫn với  nguyên tắc cấp trưởng phải cao hơn cấp phó một bậc.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật quy định Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Đại tướng bằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là kế thừa Luật Sỹ quan hiện hành, đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ khi có Luật Sỹ quan năm 1958, phù hợp với tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo luật Chính phủ trình.

Ở cấp bậc hàm Trung tướng, có ý kiến đề nghị Phó tổng tham mưu trưởng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Trung tướng, bằng tư lệnh, chính ủy quân khu, quân chủng.

Không đồng tình với ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Phó tổng tham mưu trưởng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là cấp trên của các đơn vị trong toàn quân, đồng thời là cấp phó của Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (có trần quân hàm là Đại tướng). Theo nguyên tắc cấp phó có trần quân hàm thấp hơn cấp trưởng một bậc thì các chức vụ trên có trần quân hàm Thượng tướng là phù hợp với thực tiễn.

Đối với cấp bậc quân hàm Trung tướng, báo cáo cũng ghi nhận một số ý kiến đề nghị xem xét đối với cục trưởng các cục trực thuộc Bộ Quốc phòng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng.

Cho biết đã rà soát các cục trực thuộc bộ có tính chất quan trọng,  có chức năng chỉ đạo toàn ngành, toàn quân để quy định trần quân hàm Trung tướng,  tương đương Tổng cục trưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung cục trưởng có trần quân hàm Trung tướng, gồm các cục Nhà trường, Tác chiến điện tử, Công nghệ thông tin, Cứu hộ - Cứu nạn, Đối ngoại.

Còn với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, đây là bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối của toàn quân, trung tâm điều trị, nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học, chuyển giao công nghệ y học tiên tiến đến các bệnh viện trong quân đội, điều trị cho cán bộ diện Trung ương quản lý. Giám đốc Bệnh viện là Phó ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương. Do đó, đề nghị Quốc hội giữ như dự thảo luật.

Liên quan đến cấp bậc quân hàm Thiếu tướng, có nhiều ý kiến đề nghị rà soát lại các chức vụ, chức danh có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng để bảo đảm tiêu chí, vị trí có nhu cầu cấp Tướng.

Trên cơ cở các tiêu chí xác định vị trí có nhu cầu cấp tướng đã được đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, báo cáo cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát quy định các chức vụ, chức danh có trần quân hàm Thiếu tướng, đồng ý như dự thảo luật trình Quốc hội.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị nâng trần quân hàm của tư lệnh, chính ủy vùng cảnh sát biển lên Thiếu tướng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.

Về vấn đề cấp bậc hàm cao nhất trong quân đội tại Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Bộ tư lệnh Tp.HCM, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị tư lệnh, chính uỷ hai bộ tư lệnh này mang trần quân hàm Thiếu tướng. Cũng có ý kiến đề nghị quy định trần quân hàm này đối với chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự các thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh thành có diện tích rộng, dân số đông, quản lý, chỉ huy số quân lớn.

Ý kiến này được cho là để “đối xứng”, cân bằng với đề xuất của ngành công an về việc tăng số lượng cấp tướng đối với giám đốc công an 6 tỉnh thành trọng điểm.

Đối với cấp bậc hàm cao nhất của Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Tp.HCM và Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh, căn cứ vào kết luận của Bộ Chính trị ngày 28/10 vừa qua về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa vào dự thảo luật quy định trần quân hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là Trung tướng và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Tp.HCM có trần quân hàm cao nhất là Trung tướng

Còn chỉ huy trưởng, chính ủy bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác là Đại tá để thống nhất với quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an Tp.HCM và công an cấp tỉnh.

Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội quy định trần quân hàm của chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự các quận thuộc Thủ đô Hà Nội và Tp.HCM là Đại tá, các huyện, thị xã là Thượng tá.

Sáng nay, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án luật.