15:11 01/06/2017

Làm rõ nguồn 23 nghìn tỷ cho mặt bằng sân bay Long Thành

Nguyên Vũ

Dự kiến kinh phí để thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần khoảng 23.000 tỷ đồng

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.
Chiều 1/6, Chính phủ đã trình Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần để thực hiện trước.

Việc này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, theo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội là một cơ chế đặc thù của dự án và thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thẩm tra nội dung Chính phủ trình, đa số ý kiến tán thành với việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để thực hiện trước bảo đảm tiến độ của dự án theo nghị quyết 94 của Quốc hội.

Vì đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường phát sinh khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thực hiện và mất nhiều thời gian, tăng chi phí nếu quá trình thực hiện kéo dài.

Uỷ ban thẩm tra phân tích, nếu chờ đến khi Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (dự kiến năm 2019), Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án, sau đó mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thì nhiều khả năng sẽ chậm tiến độ so với ghị quyết của Quốc hội đề ra khoảng 2-3 năm.

 Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng phản ánh có ý kiến băn khoăn việc triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng sẽ gây ra những hệ lụy nếu trường hợp Quốc hội không thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Rút kinh nghiệm từ những dự án quan trọng quốc gia đã được thực hiện, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần quan tâm bảo đảm công tác tái định cư, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân vùng chịu ảnh hưởng; bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ và an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời, có chính sách, giải pháp chuyển đổi việc làm, đào tạo nghề cho người dân trong vùng thu hồi đất để có thể tham gia vào việc phục vụ trong quá trình khai thác cảng hàng không Long Thành.

Về hình thức quyết định của Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, mặc dù là dự án thành phần, tuy nhiên, đây là nội dung rất quan trọng, liên quan đến công tác an sinh xã hội, bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, tổng mức đầu tư lớn nên cần thiết phải có các quy định cụ thể về cơ chế, chính sách để thực hiện đồng bộ, thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện cũng như theo dõi, giám sát.

Do vậy, với tính chất quan trọng của nội dung này, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng và tiếp tục giao Chính phủ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017).

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra băn khoăn về việc nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như việc bố trí vốn để thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án (5.000 ha) theo Nghị quyết 94 của Quốc hội.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự kiến kinh phí để hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần khoảng 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 mới chỉ bố trí được 5.000 tỷ đồng, tương ứng 21,7% yêu cầu.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, trong bối cảnh ngân sách còn rất khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng rất quan trọng, phải thực hiện trước và cần nguồn kinh phí rất lớn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện.

Trong đó, lưu ý tính khả thi của các nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, phương án khai thác, tạo nguồn thu từ quỹ đất chưa sử dụng của dự án, rà soát các nguồn lực cho đầu tư công, kể cả từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn 2016-2020.