20:14 21/10/2009

Lãng phí lớn nhất: Đất đai, tài nguyên khoáng sản

Hà Minh

Lãng phí lớn nhất hiện nay là quản lý, sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản

Lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đang gây bức xúc trong dư luận - Ảnh minh họa.
Lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đang gây bức xúc trong dư luận - Ảnh minh họa.
Lãng phí lớn nhất hiện nay là quản lý, sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản.

Nhận định này nằm trong báo cáo thẩm tra về thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2009 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ngày 13/10.

Trước đó, ngày 7/10 Chính phủ cũng đã hoàn thành báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2009. Cả hai bản báo cáo này đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Tiết kiệm và lãng phí đều tiền tỷ

Tỉnh Thái Bình tiết kiệm được 33,3 tỷ đồng, Hưng Yên 37,2 tỷ đồng, Lai Châu 21,1 tỷ đồng, Thanh Hóa 62,2 tỷ đồng…từ chủ trương tiết kiệm 10% chi thường xuyên, Chính phủ báo cáo.

Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2009 các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương tiết kiệm 668 tỷ đồng.

Nhưng cũng trong khoảng thời gian này, Thanh tra Bộ Tài chính đã kiến nghị xử lý tài chính 120 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp. 9 tháng qua hệ thống Kho bạc Nhà nước từ chối thanh toán 195 tỷ đồng chi không đúng chế độ quy định.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, lãng phí lớn nhất hiện nay là quản lý, sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản.Nguyên nhân là do chất lượng quy hoạch thấp chưa phù hợp với yêu cầu của phát triển nền kinh tế. Một số địa phương do nôn nóng phát triển khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị…nên quy hoạch sử dụng đất, giao đất vượt quá khả năng đầu tư và điều kiện thực tế của địa phương.

Một ví dụ được ủy ban này nêu ra, trong 6 tháng đầu năm Tp.HCM đã thu hồi xử lý 56 khu đất với 2.399,75 ha đất.

Nhân dân cũng “xài sang”?

Chính phủ nhận định, việc tiêu dùng quá mức bình thường vẫn có chiều hướng gia tăng ở một bộ phận dân cư có thu nhập cao.

Còn theo Ủy ban Tài chính và Ngân sách, trong năm 2009, thu nhập của phần lớn người lao động bị ảnh hưởng so với trước đây, do suy giảm kinh tế. Song, tình trạng chi tiêu lãng phí, tiêu dùng quá mức trung bình của xã hội, tâm lý sính hàng ngoại, tổ chức lễ hội đình đám tốn kém vẫn có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương.

Tuy nhiên, chỉ có một dẫn chứng khá chung chung được đưa ra chứng minh cho nhận định này. Đó là đánh giá tại một báo cáo của tỉnh Nghệ An: “Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đưa vào tiêu chí khen thưởng chưa được cơ sở thực hiện triệt để, có nơi còn chạy theo thành tích, việc bình xét gia đình thiếu nghiêm túc”.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các nội dung: xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quy định chế tài đối với người đứng đầu cơ quan đơn vị để xảy ra thất thoát lãng phí. Bên cạnh đó cần đề cao vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng, các ngành tư pháp trong việc phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.