23:59 03/08/2011

Lao động phổ thông nước ngoài đang lách kẽ hở quản lý?

Vũ Quỳnh

Nhiều lao động phổ thông, đối tượng không được cấp phép lao động, “theo chân” các nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam

Vẫn còn tình trạng nhiều lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chưa được cấp phép.
Vẫn còn tình trạng nhiều lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chưa được cấp phép.
Lao động nước ngoài vào Việt Nam tăng cao trong 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, có nhiều lao động phổ thông, đối tượng không được cấp phép lao động, cũng “theo chân” các nhà thầu nước ngoài vào làm việc tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Ngày 17/6/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2011/NĐ- CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2008/NĐ- CP, nhằm siết chặt hơn những quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Xung quanh vấn đề này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý trực tiếp lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Trung cho biết:

“Theo báo cáo từ các địa phương đã gửi về Cục Việc làm, tính đến tháng 5/2011, tổng số người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam là hơn 74.000 người. Con số này năm 2008 là 52.633 người, năm 2010 là 56.929 người.

Nguyên nhân chính khiến lao động nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh là do những năm gần đây do đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng, có nhiều ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm mà nhân lực trong nước không thể đáp ứng được.

Trong thời gian qua, tỷ lệ người nước ngoài được cấp phép lao động đã được nâng lên, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp lao động chưa được cấp phép”.

Lao động nước ngoài vào Việt Nam tăng 20.000 người/năm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề giải quyết việc làm cho lao động trong nước, thưa ông?

Thực tế, luật chỉ cho phép tuyển lao động có trình độ mà chúng ta đang cần. Những đối tượng này lao động trong nước không thể đáp ứng được nên không ảnh hưởng gì đến chính sách tạo việc làm trong nước.

Tuy nhiên, về lâu dài, tôi nghĩ chúng ta cũng phải đào tạo nguồn nhân lực để thay thế. Trước mắt chưa đào tạo được hay chưa đủ nguồn thì chúng ta vẫn phải sử dụng nguồn lao động nước ngoài có tay nghề để học hỏi kinh nghiệm.

Luật pháp Việt Nam chỉ cấp giấy phép cho các lao động có tay nghề, không tuyển lao động phổ thông nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương như Thanh Hóa, Bắc Ninh, Ninh Bình, Lâm Đồng… vẫn có tới hàng ngàn lao động làm việc không phép? Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có nắm được con số này không?

Đúng là có tình trạng lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc theo các nhà thầu, chủ yếu là trong lĩnh vực xây dựng. Vấn đề này, các sở lao động địa phương cũng đã nắm được và báo cáo lên bộ.

Vừa rồi chúng tôi cũng đã có chuyến thực tế tại Ninh Bình. Ở địa phương này có khoảng 2.400 lao động nước ngoài, tuy nhiên chỉ có khoảng 500 lao động được cấp phép. Số còn lại đều thuộc đối tượng lao động làm việc dưới 3 tháng, không thuộc diện phải cấp giấy phép lao động.

Lao động làm việc dưới 3 tháng thì không phải xin cấp giấy phép. Đây có là kẽ hở để nhà thầu nước ngoài đưa lao động phổ thông vào Việt Nam không, thưa ông?

Theo quy định của Bộ luật Lao động, lao động nước ngoài làm việc dưới 3 tháng không phải cấp giấy phép lao động. Tuy không phải cấp giấy phép nhưng vẫn phải làm các thủ tục thông báo đầy đủ theo đúng quy định tại khoản 6, điều 9 của Nghị định số 34/2008/NĐ- CP, phải thông báo với sở lao động thương binh và xã hội địa phương sở tại nơi người nước ngoài đến làm việc trước ít nhất 7 ngày tính từ ngày làm việc và phải nộp kèm theo đầy đủ các giấy tờ.

Không thuộc diện phải cấp phép không có nghĩa là không quản lý. Tất cả lao động nước ngoài vào Việt Nam đều được các địa phương tổng hợp và báo cáo theo quy định.

Hàng năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng tổ chức kiểm tra tại các địa phương có nhiều người nước ngoài để nắm bắt tình hình và xử lý những vấn đề phát sinh.

Những trường hợp không có giấy phép và không tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam đều bị xử phạt. Có những trường hợp nhà thầu, chủ sử dụng lao động bị xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng và lao động không phép, hay không báo cáo sẽ bị trục xuất.

Nhiều ý kiến cho rằng, tới đây sẽ có thêm hàng ngàn lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc trong các dự án, gói thầu EPC, không ngoại trừ lao động phổ thông. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tính đến vấn đề này như thế nào?

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều trong Nghị định 46/2011/NĐ- CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2008/NĐ- CP về quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đang gửi lấy ý kiến các sở, ngành và doanh nghiệp để sớm ban hành.

Trong đó, Bộ hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền và phổ biến các quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài; tăng cười tổ chức rà soát và hoàn thiện quy chế phối hợp trong việc quản lý lao động nước ngoài ở từng địa phương.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành lao động như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ban quản lý khu công nghiệp… trong việc hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động, người lao động nước ngoài để thực hiện tốt pháp luật lao động về sử dụng và quản lý lao động nước ngoài.

Riêng các dự án, gói thầu EPC, ngày 17/5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 734/CT-TTg về chấn chỉnh công tác quản lý đối với gói thầu EPC. Trong đó, yêu cầu các dự án, gói thầu được triển khai trong thời gian tới phải nghiêm chỉnh thực hiện việc sử dụng và quản lý lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về lao động. Đồng thời, đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng lao động nước ngoài trên các công trường.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế, với đà thu hút đầu tư nước ngoài như hiện nay thì trongnhững năm tới, lao động nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn còn tăng cao.

Hạn chế lao động nước ngoài, ngoài việc tăng cường quản lý của cơ quan chức năng cũng đòi hỏi ý thức của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động. Ngoài ra, lao động trong nước cần phát triển về tay nghề và kỹ năng nghề để đáp ứng được công việc và vị trí mà doanh nghiệp đang phải thuê lao động nước ngoài.