21:59 25/02/2011

Lập ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Libya

Vũ Quỳnh

Lao động Việt Nam ở Libya sau khi về nước sẽ được hỗ trợ theo mức độ thiệt hại để đảm bảo cuộc sống

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý thành lập ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi, để giúp Thủ tướng tổ chức công tác bảo đảm an toàn cho người lao động tại Libya, sơ tán người lao động ra khỏi nước này và đưa về Việt Nam.

Ban chỉ đạo do Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm Trưởng ban. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Phó trưởng ban.

Thành viên ban chỉ đạo gồm lãnh đạo các bộ, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam.

Theo báo cáo nhanh của ban quản lý lao động tại Libya và các doanh nghiệp có lao động đang làm việc tại đây, hiện đã có 4.579 lao động Việt Nam đã di chuyển ra khỏi Libya. Trong đó, có 1.309 lao động đã sang đến các nước lân cận (Ai Cập, Thổ Nhĩ Kì, Malta), và 285 lao động đang trên đường về nước.

Theo dự kiến ban đầu, số 285 lao động này sẽ về đến Việt Nam trong ngày 25/2. Tuy nhiên, do máy bay bị chậm nên đến 17h30 (giờ Hà Nội) ngày 25/2 285 lao động này mới về đến Dubai (UAE) và đang chuẩn bị bay từ Dubai về Việt Nam.

Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cũng đã xác nhận, vào khoảng 20-22h tối nay (25/2),  sẽ có thêm 400 lao động Việt Nam lên chuyến bay từ Cairo (Thủ đô Ai Cập) để về nước. Nếu không có gì thay đổi số lao động này sẽ về đến về sân bay Nội Bài vào ngày mai (26/2).

Chiều 25/2, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết về mức hỗ trợ cho người lao động sau khi về nước. Trước mắt, những người lao động từ Libya về nước sẽ được quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Sau khi toàn bộ lao động về nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ căn cứ mức độ thiệt hại để hỗ trợ thêm theo quy định của quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Các doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động đi làm việc tại Libya cũng cho biết sẽ dành một khoản hỗ trợ ban đầu cho người lao động là 1 triệu đồng/người.