18:36 19/07/2017

Lo đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ vì tắc vốn vay Trung Quốc

Kiều Linh

Chậm giải ngân vốn vay bổ sung 250 triệu USD từ Trung Quốc sẽ khiến đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiếp tục chậm tiến độ

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến đưa vào khai thác thương mại từ quý 2/2018. 
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến đưa vào khai thác thương mại từ quý 2/2018. 
Báo cáo tại buổi làm việc của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải sáng 19/7, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, một trong những vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính là thiếu vốn.

Cụ thể, theo ông Lê Kim Thành, Hiệp định vay bổ sung 250 triệu USD đã được ký kết ngày 11/5. Để hoàn thiện các thủ tục hiệu lực cho khoản vay, Bộ Tài chính đã gửi Bộ Tư pháp thư của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đề nghị phía Việt Nam cho ý kiến đối với mẫu ý kiến pháp lý. Bộ Giao thông Vận tải sau đó cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính hỗ trợ các thủ tục cho khoản vay bổ sung này.

Ngày 16/6/2017, Bộ Tư Pháp và China Eximbank đã họp tuy nhiên các bên vẫn chưa thống nhất ý kiến.

Để dự án hoàn thành theo kế hoạch, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính để thống nhất với Eximbank Trung Quốc, ký hợp đồng vay vốn và triển khai giải ngân trong tháng 7/2017 cho dự án.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa yêu cầu cácthứ trưởng phụ trách bộ kiến nghị với Chính phủ thúc đẩy nhanh việc giải ngân cho dự án.

"Vì nếu chậm giải ngân thì phần thiệt thòi sẽ là tổng thầu Trung Quốc, chứ không phải phía Việt Nam. Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải luôn tạo điều kiện tốt nhất và hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện nhiệm vụ liên quan đến ngành, tuy nhiên tất cả phải trên lợi ích có lợi của đôi bên, theo đúng pháp luật quy định và các điều khoản của hợp đồng đã ký kết", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thực hiện từ tháng 11/2008 tới tháng 11/2013, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD (gồm 169 triệu USD vay ưu đãi, lãi suất 3% và 250 triệu USD vay ưu đãi bên mua 4%), vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Tuy nhiên dự án chậm tiến độ, đến tháng 10/2011 mới chính thức triển khai.

Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng), tăng hơn 315 triệu USD. Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).

Thủ tục vay vốn bổ sung đối với phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 3 nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân.

Hiện tại, dự án đường sát trên cao Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành hơn 94% khối lượng xây lắp, trong đó phần hạ tầng chạy tàu đã cơ bản hoàn thành. Về mua sắm thiết bị và đoàn tàu, hiện tại đã đóng xong 13 đoàn tàu tại Bắc Kinh và chuyển 1 đoàn tàu trưng bày tại ga La Khê. Tuy nhiên, phần đường ray, nền đường, hàng rào, đường nội bộ… vẫn còn chậm tiến độ do thiếu vốn để quyết toán các phần việc liên quan.

Theo kế hoạch, đến tháng 10/2017, tàu đường sắt sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống, thời gian chạy thử từ 3-6 tháng. Dự kiến, quý 2/2018 dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.

Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, dự án khó có thể xong đúng tiến độ vào tháng 10 tới.