16:48 17/09/2015

“Luật Báo chí không nên quy định trang tin điện tử tổng hợp”

Nguyễn Lê

Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sau khi cổ phần hóa có được thành lập cơ quan báo chí?

Các trang tin điện tử tổng hợp có tính chất tương tự như báo điện tử, hiện đang được điều chỉnh bởi nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Các trang tin điện tử tổng hợp có tính chất tương tự như báo điện tử, hiện đang được điều chỉnh bởi nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thẩm tra dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng không nên quy định “trang tin điện tử tổng hợp” trong luật này.

Theo cơ quan thẩm tra, các trang tin điện tử tổng hợp có tính chất tương tự như báo điện tử, hiện đang được điều chỉnh bởi nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó quy định hồ sơ đề nghị cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp phải có “văn bản chấp thuận của các tổ chức cung cấp nguồn tin để đảm bảo tính hợp pháp của nguồn tin”.

Tuy nhiên, trên thực tế, ít có cơ quan báo chí nào cho phép một trang tin điện tử sao chép lại bài vở của họ, bởi đây là một cách gián tiếp giảm bớt lượng truy cập báo điện tử và số lượng phát hành báo in. Do luật không cho phép các trang tin điện tử tự sản xuất nội dung nên người làm các trang này sẽ tự ý sao chép, chỉnh sửa bài từ các báo điện tử.

Tuy vậy, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí khó có thể ngăn chặn tình trạng này bởi số lượng các trang tin điện tử quá nhiều.

Việc dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… khiến cơ quan thẩm tra lo ngại là vô hình trung đã khuyến khích cách làm báo kiểu sao chép, hay nói cách khác là hợp pháp hóa việc xâm phạm bản quyền.

Do vậy, thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng không nên quy định “trang tin điện tử tổng hợp” trong luật, mà có thể tham khảo cách quản lý của nhiều nước là điều chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội bằng Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ…

Trả lời một số câu hỏi của các vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận chiều 17/9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng nhấn mạnh lại quan điểm nói trên của cơ quan thẩm tra, trước một số băn khoăn về quản lý báo chí trong nền kinh tế thị trường.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt vấn đề: kinh tế thị trưởng ảnh hưởng thế nào với mô hình quản lý và các loại hình báo chí? Vì thực tế có rất nhiều tư nhân tham gia vào quảng bá và cá nhân mở trang riêng, nhưng đó chính là hoạt động báo chí, thì quản lý thế nào và từ đó luật cần sửa đổi gì để kiểm soát?

Nhấn mạnh Luật Báo chí là luật phức tạp, nhạy cảm, Bộ trưởng Son trình bày, nhiều người nói tự do hóa báo chí thì cần phải có tư nhân làm báo. Theo Bộ trưởng thì đây là câu hỏi rất lớn, song ông khẳng định là không tư nhân hóa báo chí.

Trang cá nhân không phải là báo chí, nên không điều chỉnh trong luật này, nếu cho vào thì thừa nhận đó là báo chí, vô hình trung là thừa nhận là có báo chí tư nhân, ông Son phát biểu.

Quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên  báo chí cũng là nội dung được tập trung thảo luận. Dự thảo luật quy định quyền tự do báo chí ở điều 11 còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân ở điều 12.

Quy định này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý là cần phải xem lại tính hợp hiến. Bởi quyền tự do báo chí chỉ có nhà báo mà không có công dân là không đúng.

Quyền tự do báo chí là hiến định, luật này phải làm sao để công dân thực hiện quyền này. Dự thảo luật mới chỉ đi sâu vào nghề làm báo và quản lý báo chí, còn làm sao để công dân thể hiện quyền tự do báo chí của mình thì chưa rõ, ông Lý nhận xét.

Điều 11 và điều 12 nếu hiểu là hai quyền khác nhau gắn với hai chủ thể khác nhau là không đúng, cần xác định lại nội hàm của quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu góp ý.

Phó chủ tịch cũng băn khoăn là điều kiện hiện nay chưa cho tư nhân ra báo, nhưng dự thảo luật cho phép tập đoàn, tổng công ty nhà nước được thành lập cơ quan báo chí, vậy khi họ cổ phần hóa xong thì có còn  quyền này nữa hay không?