20:55 30/05/2017

Luật có nên cho tố cáo qua e-mail, fax, điện thoại...?

Nguyễn Lê

Một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng với gần 60% đơn thư hiện nay là tố cáo sai thì không nên xem xét tố cáo nặc danh

Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng nên mở rộng các hình thức tố cáo.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng nên mở rộng các hình thức tố cáo.
“Cứ gần đến dịp bầu cử, đại hội là có tình trạng đơn thư tố cáo trong nội bộ, nói xấu nhau loạn lên”.

Đây là chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân của Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm, khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), chiều 30/5.

Trình Quốc hội sửa luật, Chính phủ cho rằng vẫn nên quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp như luật hiện hành.

Tuy nhiên, đa số ý kiến tại Uỷ ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án luật - lại cho rằng cần bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua e-mail, điện thoại, bản fax, qua mạng thông tin điện tử…, vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay.
 
 “Chạy theo thì không khác gì đánh nhau với cối xay gió”

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho biết, khi thảo luận tại Uỷ ban Pháp luật thì Thanh tra Chính phủ đã đồng ý mở rộng rồi, nhưng sau đó thì Chính phủ lại không đồng ý.

“Chính phủ phải chuẩn bị lại chứ không thể làm cho xong”, ông Xuyền góp ý.

Đồng ý là sửa luật thì phải tiến bộ hơn nhưng đại biểu Nguyễn Hồng Diên (Thái Bình) cho rằng phải đảm bảo khả thi, nhất định phải xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo.

Đại biểu Diên nói: “Đã tố cáo thì phải chịu trách nhiệm, qua e-mail thì máy chủ ở nước ngoài, qua tin nhắn thì sim rác thì rất nhiều. Có nhiều người bất mãn cứ gửi liên tục thì mất ổn định xã hội, mình chạy theo thì không khác gì đánh nhau với cối xay gió”.

Cho rằng chấp nhận mở rộng các hình thức tố cáo thì không công bằng giữa người tố cáo và người bị tố cáo, đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) lập luận, trong trường hợp tố cáo sai thì người bị tố cáo chịu thiệt, người nhắn tin tố cáo thì... vô tư.

Đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh (Sơn La) góp ý, nếu đồng ý tiếp nhận tố cáo qua các kênh này, trước hết phải đảm bảo vấn đề bảo mật, vì nếu tố cáo sau đó được khẳng định là không đúng thư, băng ghi âm lời lẽ tố cáo đã bị phát tán thì rất ảnh hưởng đến cán bộ, người bị tố cáo.

Ông Quỳnh nhấn mạnh, nếu chấp nhận hình thức tố cáo qua e-mail thì cũng phải có chữ ký điện tử.

“Đơn thư khuyết danh hiện đang rất phức tạp”

Có xem xét đơn thư tố cáo nặc danh hay không cũng là vấn đề được quan tâm thảo luận. Quan điểm của Chính phủ là chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh.

Một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng với gần 60% đơn thư hiện nay là tố cáo sai thì không nên xem xét tố cáo nặc danh.

“Ở Đảng bộ, tôi cứ nói thẳng là ông nào ký tên vào đơn thì tôi giải quyết, không thì thôi. Còn đưa việc này vào luật sẽ có những cái khó đấy. Vấn đề này, cần giải quyết linh hoạt trong thực tế thì hơn”, Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm nói.

Ông cảnh báo, đơn thư khuyết danh hiện đang rất phức tạp, cứ đi theo giải quyết nhiều khi… hết hơi.

Nhưng cũng có những ý kiến khác.

Dẫn chứng về việc nhiều thông tin dù là tố cáo nặc danh vẫn giàu giá trị, có thể sử dụng, đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) nêu thực tế, hiện ngành giáo dục đang quyết liệc chống việc học thêm, dạy thêm, nhưng tình trạng dạy thêm vẫn phổ biến. Phụ huynh không dám tố cáo vì nếu nói ra thì sợ con mình bị trù dập.

“Vậy thì những phản ánh rất thực tế này, nếu có giấu tên cũng rất đáng phải xem xét, nghiên cứu chứ”, bà Thúy nói.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng băn khoăn, nếu không chấp nhận tố cáo giấu tên thì có thể làm bỏ lọt nhiều vấn đề có cơ sở thực tế, có chứng lý.

Theo ông Thắng, luật nên có cơ chế mở  ghi rõ, cơ quan có trách nhiệm trong trường hợp nhận được nhiều tố cáo của người dân dù giấu tên nhưng về cùng một việc, một người mà có cơ sở, logic thì cần phải xem xét, đánh giá cụ thể.