15:51 28/06/2016

Luật Hình sự 2015 “chưa thò đã thụt” và câu hỏi về trách nhiệm

Nguyễn Lê

Có lẽ sẽ cần câu trả lời cho những câu hỏi khác, mà trách nhiệm không chỉ thuộc về Quốc hội

Bộ luật Hình sự mới đã được Quốc hội khoá 13 thông qua ngày 27/11/2015.
Bộ luật Hình sự mới đã được Quốc hội khoá 13 thông qua ngày 27/11/2015.
Trách nhiệm thuộc về ai và chế tài nào cho những người phải chịu trách nhiệm, đó là những câu hỏi được nhiều bạn đọc đặt ra sau khi VnEconomy đưa tin về việc Quốc hội khoá 13 phải biểu quyết để hoãn thi hành Bộ luật Hình sự 2015.

Đây là một trong những đạo luật vô cùng quan trọng, chỉ vài ngày nữa, từ 1/7/2016 sẽ có hiệu lực thi hành.

Nhưng, những sai sót tại nhiều điều, khoản của Bộ luật đã khiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải triệu tập cuộc họp khẩn với các vị trưởng đoàn và sau đó gửi phiếu đến tay từng vị đại biểu Quốc hội khoá 13 để biểu quyết lùi thời gian thi hành 6 tháng.

Đây cũng không phải lần đầu một đạo luật còn chưa có hiệu lực thi hành đã phải tính đến chuyện sửa.

Giữa năm 2015, tại kỳ họp thứ 9, nghị trường cũng đã chứng kiến những tranh luận nảy lửa khi Chính phủ đề nghị sửa điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về bảo hiểm xã hội một lần.

Nhưng, sự khác nhau rất xa là điều 60 đó được cho là đúng đắn, nhân văn. Song vẫn được chỉnh sửa linh hoạt hơn, xuất phát từ thực tế cuộc sống và nguyện vọng của người lao động.

Khi đó, có đại biểu công khai nhận lỗi khi đã bấm nút thông qua điều luật xa rời thực tế, nhưng cũng có vị cho rằng nhận lỗi là “không hợp lý”.

Với Bộ luật Hình sự, Quốc hội khoá 13 sẽ không còn cơ hội để tranh luận về việc có sửa hay không và sửa như thế nào, và các vị đại diện cho dân có lẽ cũng không có cơ hội nhận trách nhiệm công khai giữa nghị trường nữa.

Bởi, giữa tháng 3/2016, Quốc hội đã tổng kết nhiệm kỳ khoá 13. Mà, một trong những thành tích nổi bật là đã ban hành một khối lượng văn bản quy phạm pháp luât lớn nhất từ trước đến nay với chất lượng ngày càng nâng cao. Tính đến hết tháng 11/2015 Quốc hội khoá 13 đã ban hành 100 luật, bộ luật.

Thế nhưng, ngay khi đó, phần thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội đã chứa đầy lo lắng của các vị đại diện cho dân ở cơ quan lập pháp về chức năng quan trọng nhất của Quốc hội: lập pháp.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, đại biểu Trần Đình Long nói ông chỉ hài lòng được một yếu tố đó là hoàn thành về mặt số lượng, còn chất lượng có nhiều hạn chế.

Giữa hai kỳ họp, có những cơ quan của bộ chuẩn bị 5, 7 văn bản, có những cơ quan chuẩn bị 2, 3 bộ luật đồ sộ, cơ quan Quốc hội chủ trì tiếp thu, chỉnh lý cũng chừng đó văn bản với thời gian không cho phép. Điều đó thì làm sao có chất lượng, ông Long phân tích.

Khối lượng nhiều, thời gian lại ít, mà có những kỳ họp làm đến 4 bộ luật lớn thì theo ông Long khó có đại biểu nào có thể đọc được hết từ đầu đến cuối từng bộ luật.

Điều này, có thể đã rất đúng với Bộ luật Hình sự, một bộ luật dài tới 26 chương, 426 điều.

Và, với một Quốc hội còn nặng về cơ cấu như Quốc hội Việt Nam thì cho dù có đủ thời gian để đọc hết, nhiều vị đại biểu cũng khó có thể phát hiện được những sai sót đã “lọt” qua cửa của cả cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và những cơ quan tố tụng - nơi có rất nhiều chuyên gia luật.

Nhưng, cho dù vì lý do gì đi nữa, trách nhiệm trước việc một bộ luật có sai sót trước hết thuộc về chính các vị đại biểu Quốc hội - những người được dân uỷ quyền xây dựng pháp luật - đã bấm nút thuận cho sự ra đời của bộ luật đó.

Với Bộ luật Hình sự mới, thời điểm có hiệu lực thi hành là 1/7/2016,  cho dù không còn kỳ họp toàn thể nào nữa thì các vị đại biểu Quốc hội khoá 13 vẫn đang tại nhiệm. Vì thế chính họ chứ không phải ai khác sẽ phải quyết định có hoãn thi hành bộ luật quan trọng đó hay không.

Biết sai và dám dừng, theo nhiều cử tri, đó cũng là thể hiện trách nhiệm với nước, với dân.

Nhưng, như nhìn nhận của một chính vị đại biểu Quốc hội khoá 13, nếu chất lượng đại biểu và quy trình làm luật không có gì thay đổi thì Quốc hội khó mà tránh khỏi những sai sót như với Bộ luật Hình sự mới.

Vì thế, có lẽ sẽ cần câu trả lời cho những câu hỏi khác, mà trách nhiệm không chỉ thuộc về Quốc hội.