12:11 31/10/2016

Luật hoá chế độ ôtô công, nhà công vụ

Nguyễn Lê

Gồm 10 chương với 137 điều, dự thảo luật điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng đối với tất cả các loại tài sản công

Khu nhà công vụ Hoàng Cầu, tại phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.
Khu nhà công vụ Hoàng Cầu, tại phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.
Sáng 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền Thủ tướng trình Quốc hội dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tài sản của Đảng có tính đặc thù

Gồm 10 chương với 137 điều, dự thảo luật điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng đối với tất cả các loại tài sản công.

Riêng tài sản công thể hiện dưới hình thái tiền tệ thuộc ngân sách Nhà nước, các quỹ tài chính Nhà nước, quỹ ngoại tệ thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan, không thuộc phạm vi tài sản công quy định tại luật này.

Dự thảo luật đã bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về tài sản công và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Đáng chú ý, dự thảo luật còn điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng tài sản là bất động sản đã giao cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cơ chế áp dụng như cơ quan Nhà nước theo luật hiện hành sang cơ chế cho phép tổ chức được khai thác bất động sản được Nhà nước giao theo hình thức kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết như chế độ áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Riêng đối với tài sản của Đảng, theo Chính phủ là có tính đặc thù, vì thế dự thảo luật đã quy định nguồn hình thành tài sản của Đảng, nguyên tắc chung trong quản lý, sử dụng tài sản của Đảng, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết.

Không được đưa vào kinh doanh

Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh quan điểm cần phân biệt rõ tài sản công phục vụ công tác quản lý của Nhà nước, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và tài sản công phục vụ mục đích thương mại để quy định cho phù hợp, trên cơ sở tách bạch chủ thể quản lý, sử dụng các loại tài sản công nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý và sử dụng.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, các loại tài sản công được đầu tư từ ngân sách Nhà nước sau thời điểm luật này có hiệu lực thi hành sẽ chỉ nhằm phục vụ mục đích quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công, không được đưa vào kinh doanh.

Chính phủ tổ chức sắp xếp lại việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đã được giao bảo đảm đúng mục đích, tiêu chuẩn. Tài sản công không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định phải được thu hồi đưa vào khai thác thương mại để tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Đi vào từng nội dung cụ thể, cơ quan thẩm tra đề nghị cần bổ sung quy định về hoạt động giám sát của người dân và các cơ quan truyền thông đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để tăng cường tính minh bạch, hiệu quả.

Với quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, có ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung ngay trong dự thảo luật quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức trang bị và thẩm quyền quyết định việc quản lý sử dụng tài sản công như: xe ôtô, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ.

Đa số ý kiến trong Uỷ ban đề nghị áp dụng mô hình quản lý trụ sở tập trung, tức là giao một bộ làm đầu mối quản lý thống nhất trụ sở của các cơ quan Nhà nước thuộc Trung ương, còn mỗi tỉnh, thành phố giao một đầu mối để quản lý thống nhất trụ sở của các cơ quan Nhà nước thuộc địa phương.

Mô hình quản lý này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.