21:11 05/11/2011

Luật Nhà văn: Nói đi rồi... nói lại

Nguyên Thảo

Không ít nhà lập pháp thốt lên rằng “không thể hiểu nổi” khi nhìn thấy tên dự án Luật Nhà văn

Đại biểu Nguyễn Minh Hồng: “Luật Nhà văn không phải là sáng kiến của tôi, tôi chỉ là cầu nối đưa nguyện vọng của Hội Nhà văn đến Quốc hội thôi”.
Đại biểu Nguyễn Minh Hồng: “Luật Nhà văn không phải là sáng kiến của tôi, tôi chỉ là cầu nối đưa nguyện vọng của Hội Nhà văn đến Quốc hội thôi”.
Do chính Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đề xuất, rồi được đại biểu - nhà văn duy nhất của cả hai khóa Quốc hội 12 và 13 “chớp” cơ hội để đề nghị công khai trước nghị trường, song dự án Luật Nhà văn lại đang nhận được khá nhiều chỉ trích từ chính các nhà văn.

Cũng không chỉ có những người mà tưởng rằng sẽ “nhiệt liệt ủng hộ” dự luật này mới cảm thấy ngạc nhiên đến tột độ, mà ngay cả không ít nhà lập pháp (tất nhiên không phải hội viên Hội Nhà văn) cũng phải thốt lên rằng “không thể hiểu nổi”, khi nhìn thấy tên dự án luật này trong dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của toàn khóa Quốc hội 13.

Nhưng, kể cũng lạ. Vì, thông tin về dự án luật này đã xuất hiện trên báo chí từ hơn một tháng trước.

Ngày 28/9, tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đại biểu Nguyễn Minh Hồng cùng Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị đưa dự án Luật Nhà văn (hoặc “Luật Phát triển văn học” vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 13 đã được công bố.

Tài liệu cung cấp cho báo chí tại đây có văn bản số 120/CV-HNV ngày 26/7/2011 do Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh ký, được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Nguyễn Minh Hồng, nêu rõ sự cần thiết phải ban hành luật này.

Vì, “văn học là nòng cốt của văn hóa. Chúng ta đã có Luật Di sản, Luật Xuất bản, Luật Điện ảnh, nên rất cần có Luật Phát triển văn học”.

“Nghị quyết Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 phản ánh nguyện vọng chung của giới nhà văn: kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Phát triển văn học, nhằm tạo hành lang pháp lý quản lý và phát triển nền văn học của đất nước đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới”, công văn nêu rõ.

Cụ thể hơn, tại văn bản gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu - nhà văn Nguyễn Minh Hồng đề nghị thông qua dự án “luật cho các hoạt động của nhà văn” tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 13, tức kỳ họp được khai mạc ngày 20/10 vừa qua và sẽ bế mạc vào cuối tháng 11 này.

Phạm vi điều chỉnh của luật, theo đại biểu Hồng là “quy định đối với cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn học; quyền và nghĩa vụ cơ quan, tổ chức cá nhân tham gia hoạt động văn học; hoạt động văn học bao gồm: sản phẩm văn học, truyện ngắn tiểu thuyết, thơ ca, lý luận phê bình, kịch bản, hội họa, âm nhạc… thuộc Hội Nhà văn quản lý”.

Ghi nhận đề xuất này, song Ủy ban Pháp luật cho biết, dự án luật vẫn chưa có hồ sơ đầy đủ, chưa trình Chính phủ cho ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, cơ quan này đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, cá nhân liên quan tiếp tục chuẩn bị hồ sơ theo quy định và trình Quốc hội xem xét, quyết định khi có đủ điều kiện cần thiết theo luật định.

Báo chí cũng đưa tin, và chẳng thấy ai có ý kiến gì.

Có lẽ, đây cũng là một trong những lý do để Ủy ban Thường vụ Quốc hội yên tâm đưa dự án luật này vào chương trình chuẩn bị, và trình ra Quốc hội tại phiên họp sáng 2/11 vừa qua.

Báo chí lại đưa tin. Và ngay lập tức trên cả các báo chính thống lẫn nhiều trang blog cá nhân của một số nhà văn nổi tiếng đăng tải không ít nhận xét về dự án luật được không ít người gọi là “tào lao” này.

Trả lời phỏng vấn trên báo Tiền Phong, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên nói cuộc sống có nhiều điều nóng bỏng cấp thiết hơn đang cần xây dựng luật để điều chỉnh mà chưa xây dựng được, hà cớ gì lại đi làm Luật Nhà văn?

Theo ông Nguyên thì nhà văn là những công dân bình thường do vậy cũng phải chịu sự điều chỉnh của luật pháp. Nếu họ sáng tác văn học thì đã có luật xuất bản, luật bản quyền. Nếu xây dựng Luật Nhà văn thì sẽ phải có luật nhà thơ, luật nhạc sỹ, luật hoạ sỹ... Nói chung cả 7 loại hình nghệ thuật đều sẽ phải có luật cả?!

Mang câu hỏi này đến đại biểu Nguyễn Minh Hồng, câu trả lời được ông nhấn mạnh là: “Luật Nhà văn không phải là sáng kiến của tôi, tôi chỉ là cầu nối đưa nguyện vọng của Hội Nhà văn đến Quốc hội thôi”.

Có bạn phóng viên còn hỏi tôi là có nhiều luật cần thiết hơn như Luật Biểu tình chẳng hạn, tại sao lại đề xuất làm Luật Nhà văn. Tôi trả lời là vì tôi là nhà văn mà. Tại một hội nghị cùa Hội Nhà văn với rất nhiều “cây đa, cây đề” ở đó,  khi biết nguyện vọng của Hội thì tôi đã lên bục hứa là sẽ đề nghị với Quốc hội xây dựng Luật Nhà văn.

Tôi nói xong mọi người đều vỗ tay cả, không đề nghị làm sao được. Mà sớm muộn gì thì Luật Nhà văn cũng phải có, ông Hồng kể tiếp.

Như vậy, cứ theo văn bản giấy tờ và câu trả lời của đại biểu Hồng thì việc ban hành dự án luật đang nổi như cồn này là “nguyện vọng chung của giới nhà văn”. Nên nếu đặt vấn đề là liệu ông Hồng có đại diện cho Hội như một số ý kiến, trong trường hợp này cũng không hẳn chính xác.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở vai trò của đại biểu Quốc hội thì cử tri cũng có thể “chất vấn” đại biểu Hồng về sự ưu tiên của ông trong công tác lập pháp, khi mà còn quá nhiều vấn đề nóng bỏng đang đòi hỏi phải có luật điều chỉnh, như lời nhà văn Phạm Xuân Nguyên.

Đấy là nói đi.

Nói lại thì đại biểu Hồng cho biết thêm là tại phiên thảo luận tổ về chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa 13, có một số vị đại biểu như Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý còn đề nghị đưa dự án luật này lên chương trình chính thức.

Trong khi đó, ở các tổ khác, một số vị đại biểu lại có quan điểm trái ngược.

Báo Tuổi Trẻ nêu ý kiến của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM.  Rằng, “tôi không hiểu dự án Luật Nhà văn chế định cái gì mà lại được đưa vào chương trình. Chẳng lẽ lại bắt ông kia làm thơ, ông này không được làm? Trong khi những luật rất cần như Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước được đề nghị từ khóa trước nhưng đến nay vẫn còn nợ cử tri”.

Ủng hộ hay phê phán là quyền của mỗi người, song số phận của dự án luật đặc biệt này chỉ do 500 đại biểu Quốc hội quyết định.

Nên giả sử có thể đa số các vị đại biểu không tán thành thì dự án Luật Nhà văn cũng chưa chắc đã được nhấc ra khỏi chương trình (dù mới chỉ là dự bị) của khóa Quốc hội này. Vì xưa nay Quốc hội vẫn thường biểu quyết cả gói, chứ không tách riêng từng dự án luật. Nên, không lẽ chỉ vì không đồng ý chỉ với một dự án luật mà nhấn nút không tán thành hoặc không biểu quyết? Thật khó.

Nhưng, đâu có phải cứ “lọt” được vào danh sách là có thể được ban hành. Vì cái sự đưa vào rút ra khỏi chương trình một dự án luật nào đó quá dễ dãi cũng đã được Quốc hội phê phán gay gắt không ít lần.

Bằng chứng là chương  trình xây dựng luật của Quốc hội khóa 12 đã được điều chỉnh tới 5 lần. Trong đó có dự án luật trong chương trình chuẩn bị chẳng biết đến bao giờ mới có thể ngấp nghé vào chính thức.

Rồi có dự án luật được đánh giá là rất cần thiết đã lùi, đã lỡ nhiều lần, sau đó vượt qua rất nhiều cửa ải đầy chông gai, đến khi nhấn nút vẫn “trượt” như dự án Luật Thủ đô chẳng hạn.

Bởi thế, “nỗi lo” rằng trong khi nền kinh tế đang ở giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” thế này hà cớ gì mà Quốc hội mất thời gian cho cái dự án luật “tào lao” kia xem ra vẫn chưa đến mức phải… lo.

Và ý kiến cho rằng, xưa nay sáng kiến lập pháp của riêng đại biểu không nhiều, nên có thể coi đây là sự khuyến khích, không phải là không có lý.

Và, còn có một điều mừng nữa, đó là cử tri đã và đang giám sát khá chặt chẽ hoạt động của các vị đại biểu do chính mình bầu ra.

Được cử tri “chê” cũng là mừng!