11:43 18/03/2017

Luật Quy hoạch: Chính phủ thống nhất, Bộ Xây dựng vẫn băn khoăn

Nguyễn Lê

Chính phủ đã họp lần cuối, nhưng Luật Quy hoạch vẫn chưa "xuôi" khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 17/3

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Quốc hội cần phân minh và quyết định, chứ không thể nghe số ít đi ngược lại xu thế khách quan và lợi ích đất nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Quốc hội cần phân minh và quyết định, chứ không thể nghe số ít đi ngược lại xu thế khách quan và lợi ích đất nước.
Chính phủ đã họp lần cuối, nhưng Luật Quy hoạch vẫn chưa "xuôi" khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 17/3.

Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai. Sau đó Uỷ ban Thường vụ trong phiên họp tháng Một lại tiếp tục xem xét các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Khi đó một số bộ vẫn có ý kiến "ngược" với Chính phủ.

Lần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ họp đã thống nhất lần cuối. Hầu hết các bộ, ngành đã thống nhất các vấn đề trong dự án luật. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, hiện nay quy hoạch xây dựng có 7 điều trong Luật Quy hoạch, có còn khái niệm về quy hoạch xây dựng thì không nói, nhưng trong quy hoạch vùng lại nói về quy hoạch xây dựng vùng, rồi lập quy hoạch. Tức là khái niệm không có nhưng nội hàm lại có cho nên là có mâu thuẫn, chưa rõ ràng.  

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, luật có đề cập đến việc tích hợp các loại quy hoạch chung, nhưng trên thực tiễn lâu nay làm quy hoạch tổng thể đã có tích hợp rồi.

 Như vậy, ý tưởng thì tốt nhưng chưa làm rõ cách tích hợp thế nào? nhiều quy hoạch vào quy hoạch chung thì thế nào? thời hạn là bao lâu?, tính tích hợp với điều hành kinh tế xã hội thế nào thì chưa rõ ràng. Như thế trên thực tiễn khó thực hiện. Và nếu theo quy định của luật này thì giải quyết vấn đề trên phải mất 7-8 năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt vấn đề: ngoài Bộ Xây dựng còn bộ nào còn ý kiến khác nữa không? để đại biểu Quốc hội trước khi thông qua hoàn toàn yên tâm. Luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ ba tới, và có hiệu lực từ 1/1/2019, nhưng luật này còn liên quan đến 32 Luật khác. 

Từ khi thông qua đến khi luật có hiệu lực thì phải cách nhau 6 tháng. Nghĩa là đến tháng 6/2018 phải sửa, thông qua 32 luật do vướng luật này vì liên quan đến vấn đề quy hoạch thì có đảm bảo được không?, bà Nga băn khoăn.

Liên quan đến 32 luật phải sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cũng băn khoăn vì trong đó có nhiều luật mới được thông qua trong 1-2 kỳ họp gần đây. Vậy 1 năm nữa mà sửa tất cả có hợp lý không? nếu không phải có 1 luật sửa 32 luật vì chỉ liên quan 1 điều nào đó.

“Sửa 1 luật vất vả lắm, cân đo đong đếm, riêng số 32 luật liên quan đến sửa thì có đến 18 luật do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thẩm tra. Như vậy là khó khăn" - ông Dũng nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, hiện trong công tác quy hoạch xây dựng, và quy hoạch đô thị có tình trạng xây dựng đô thị nhưng hạ tầng không đồng bộ, không bố trí được không gian. Như việc xây nhà nhưng chưa kết nối với giao thông, y tế, nhà văn hóa... vậy do quy hoạch trong Luật Xây dựng, Luật Đô thị chưa tốt hay quá trình thực hiện luật chưa tốt? Vấn đề hạ tầng giao thông chưa đồng bộ còn dàn trải chưa phát huy hiệu quả là do quy hoạch trong các luật đó hay là do tổ chức thực hiện?.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, hiện quy hoạch chồng chéo chồng lấn nhau trong nhiều lĩnh vực, mỗi ngành chỉ nhìn ở góc độ mình chứ chưa nhìn tổng thể chung. Bộ Xây dựng nói trong quy hoạch đô thị có tính đến quy hoạch chung trong đô thị, còn Bộ Kế hoạch - đầu tư nói quy hoạch đô thị nằm trong quy hoạch chung. 

“Vậy cái nào đứng trong cái nào? Quy hoạch ngành của ta đang chồng chéo nhau, vậy xử lý thế nào để khớp nối điều hòa các vấn đề này với nhau”- ông Bình nêu một loạt vấn đề cần giải quyết.

Cũng băn khoăn vì sửa quá nhiều luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thông tin: hiện Ủy ban này đang nghiên cứu thẩm tra chương trình xây dựng pháp luật mà Chính phủ gửi sang, nhưng trong đó không thấy đề xuất xử lý như thế nào đối với 32 luật này. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự án luật - Vũ Hồng Thanh cho biết: rất đáng buồn, cách làm luật thế này thì chúng tôi khó thẩm tra vì thẩm tra phải theo cái mà Chính phủ trình. Cứ thay đổi thế này thì khó khả thi. 

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, hiện đang còn có ý kiến khác nhau, do đó một là Chính phủ xin rút về thống nhất cao thì trình, còn nếu không thì thiểu số phải phục tùng đa số. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thêm một lần nhấn mạnh quan điểm đã từng nêu trước đó. Rằng đây là một cuộc cách mạng, thay đổi lớn, giải quyết những bất cập của đất nước từ trước đến nay như chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm. Do đó, Quốc hội cần phân minh và quyết định, chứ không thể nghe số ít đi ngược lại xu thế khách quan và lợi ích đất nước. Như thế là không chấp nhận được vì dân chủ nhưng phải có tập trung. 

Về băn khoăn của Bộ Xây dựng, ông Dũng nói: “thực tế Bộ Xây dựng muốn giữ lại quy hoạch xây dựng nhưng chúng tôi trong 7 năm nay đã tổ chức trên 30 cuộc hội thảo, trong đó mời các chuyên gia đầu ngành cả cả nước liên quan đến lĩnh vực xây dựng hay đất đai, tài nguyên như: Phạm Sỹ Liêm, Trần Trọng Hanh, Đặng Hùng Võ, Chu Hồi đều nói phải thay đổi. Đó đều là những con người đầu ngành trong các lĩnh vực trên. Chúng ta phải lắng nghe chứ". 

Gói lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói: hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau, ngay trong Chính phủ cũng chưa có thống nhất cao. Cho nên giao cho Ủy ban Kinh tế nghiên cứu phối hợp với cơ quan của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật để tiếp thu giải trình. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần đưa ra xin ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ diễn ra vào tháng tới.