15:12 16/11/2010

Luật Thủ đô: “Hà Nội không thể là một khu tự trị”

Nguyễn Lê

Bên cạnh các ý kiến khẳng định sự cần thiết, không ít đại biểu Quốc hội cho rằng không cần ban hành Luật Thủ đô

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào: Khó là chúng ta bàn đến Hà Nội mở rộng - Ảnh: CTV.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào: Khó là chúng ta bàn đến Hà Nội mở rộng - Ảnh: CTV.
Bên cạnh các ý kiến khẳng định sự cần thiết, không ít đại biểu Quốc hội cho rằng không cần ban hành Luật Thủ đô.

Ngay cả các ý kiến đồng thuận ban hành luật cũng đưa ra những điểm khó khả thi của dự án luật vốn đã “lỡ hẹn” nhiều lần trước khi được trình Quốc hội tại kỳ họp này.

VnEconomy tổng hợp một số phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay (9/11) về nội dung nói trên.

"Thóc đến đâu, bồ câu đến đó"

Đại biểu Nguyễn Thị Khá - Trà Vinh

"Về vấn đề quản lý dân cư ở Điều 24, dự thảo luật giao Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp với quy mô, mật độ cơ cấu dân cư hợp lý theo quy định chung của Thủ đô. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc vì Luật Cư trú đã quy định cụ thể điều kiện thường trú, tạm trú của công dân.

Dân gian có nói: "Thóc đến đâu, bồ câu đến đó". Bác Hồ cũng đã nói, mọi người có "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Ở đâu có việc làm, có cơm ăn, có áo mặc, con cái được học hành, an ninh trật tự được bảo đảm thì họ tìm đến.

Như vậy chính quyền Thủ đô phải làm gì để đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân thì tự tìm đến, thay vì dùng các biện pháp hành chính thì Thủ đô nên dùng biện pháp kinh tế - xã hội khác như thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh các vùng ngoại thành để thu hút người dân giãn ra".

"Hà Nội không thể là một khu tự trị"

Đại biểu Lê Văn Học - Lâm Đồng

"Đã đến lúc Thủ đô cần một số cơ chế chính sách đặc thù mạnh mẽ quyết liệt hơn để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh để phát triển Thủ đô sao cho xứng đáng với bộ mặt của cả nước, làm gương cho các tỉnh và thành phố khác trong cả nước.

Nhưng những cơ chế chính sách đặc thù này phải không được trái với Hiến pháp, đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân dù ở Hà Nội hay ở bất cứ địa phương nào, Hà Nội không thể là một khu tự trị hoặc là độc lập với cả nước.

Trong dự thảo luật đưa ra đến gần 20 cơ chế chính sách đặc thù nhưng chưa giải thích rõ tại sao lại phải có thêm ngần ấy cơ chế chính sách. Có phải tất cả do chính sách pháp luật của ta hiện hành chưa có hay không thể áp dụng được, hay là chính sách pháp luật hiện nay đã cản trở không sát thực tế Hà Nội mà cần bắt buộc phải điều chỉnh thì chưa thấy giải thích rõ ở trong dự án luật cũng như tờ trình của Chính phủ".

"Ban hành Luật Thủ đô là cần thiết"

Đại biểu Chu Sơn Hà - Hà Nội

Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 15 xác định phát triển thủ đô là trọng điểm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết 15 chỉ rõ xây dựng một số cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Phân công, phân cấp mạnh cho Thủ đô, chủ động thực hiện một số chức năng, quyền hạn riêng về thu hút sử dụng vốn, về quản lý dân cư, nhà, đất.

Thể chế hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Thủ đô góp phần phát triển Thủ đô trong nhiều năm qua. Tuy nhiên từ đó đến nay hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện, nhiều văn bản luật đã được ban hành, nên phạm vi điều chỉnh, phạm vi tác động của Pháp lệnh Thủ đô ngày càng bị thu hẹp. Do đó nâng pháp lệnh lên thành luật là một yêu cầu khách quan và việc đưa dự thảo luật để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này và thông qua tại kỳ họp sau là một việc hết sức cần thiết.

Tôi nhận thấy việc ban hành Luật Thủ đô là cần thiết và chắc rằng hầu hết các vị đại biểu Quốc hội và cũng như nhân dân cả nước đều đồng tình với suy nghĩ của bản thân tôi.

"Cách tính lạ đời"

Đại biểu Ngô Văn Minh - Quảng Nam

"Trong năm 2009 theo Tờ trình dự án luật thì Hà Nội có 300.000 ôtô và trên 3,6 triệu xe máy, trong khi đó chỉ có 4.000 cây số đường, bằng 7% diện tích của toàn thành phố, mà theo quy định phải đạt tối thiểu là 15%, chỉ đáp ứng được 40% lưu lượng phương tiện giao thông hoạt động trên địa bàn nội thành.

Tôi thấy vấn đề này cần phải tính toán và xem xét lại cho hợp lý, đưa ra lý lẽ này cho nó thuyết phục hơn, không hiểu tại sao chúng ta có cách tính lạ đời như thế này, đưa ra những con số mà khi sử dụng vào việc này thì chúng ta lại nói thế này, khi sử dụng vào việc khác thì chúng ta lại nói thế kia.

Còn nhớ khi chúng ta bàn về việc mở rộng Thủ đô Hà Nội thì chúng ta có xác định đến mục tiêu mở rộng góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, chúng ta lại đưa ra con số tỷ lệ đường giao thông toàn thành phố chiếm khoảng 7% diện tích, đây là việc đương nhiên. Bởi vì thành phố chỉ có mấy trăm cây số vuông bây giờ lên hơn 3.300 cây số vuông thì rõ ràng đường nó phải chiếm tỷ lệ càng ít hơn trong diện tích toàn thành phố, bây giờ chúng ta bảo là cái này chưa đủ nên bây giờ phải thu phí giao thông cao lên thì tôi thấy cái đó không nên đặt vấn đề như thế".

"Nên chuẩn bị lại dự án luật"

Đại biểu Đặng Như Lợi  - Cà Mau  


"Tôi nghĩ Thủ đô là niềm tự hào không chỉ đối với công dân của Thủ đô mà của công dân cả nước. Cho nên trách nhiệm của mỗi công dân với Thủ đô rất quan trọng.

Qua thảo luận tổ và ý kiến của đại biểu Quốc hội thì tôi thấy trách nhiệm với thủ đô rất cao, cho nên cũng nghiên cứu kỹ và có những ý kiến để làm sao cho Luật Thủ đô tốt hơn.

Cá nhân tôi có đọc dự thảo luật, báo cáo thẩm tra cũng như xem 13 trang ý kiến của thảo luận tổ tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đó là một báo cáo khá sắc sảo, có trách nhiệm và có tính chuyên nghiệp .
 
Chỉ có vấn đề là Ủy ban Pháp luật chưa mạnh dạn đặt vấn đề với Thường vụ là với nội dung chuẩn bị như vậy Chính phủ nên chuẩn bị lại dự án này và trình Quốc hội vào một thời điểm nào đó cho chắc chắn và kỹ hơn.

Nm 2000 Bộ Chính trị ban hành nghị quyết, mà khi ban hành trong hoàn cảnh cụ thể là Thủ đô chưa được mở rộng như hiện nay. Bây giờ ta sẽ đánh giá lại Nghị quyết 15 của Bộ chính trị cũng như Pháp lệnh Thủ đô. Trên cơ sở đó mình xem tính đặc thù nó là cái gì sau 10 năm thực hiện đối với Thủ đô chưa mở rộng. Bây giờ nếu mở rộng rồi thì áp dụng đặc thù đó nó là cái gì thì mới làm được, chứ tôi cho là cách làm như thế này là nó không rõ về đặc thù".

"Chỉ cần điều chỉnh một số vấn đề"

Đại biểu Dương Trung Quốc - Đồng Nai

"Tôi nghĩ chỉ cần điều chỉnh một số vấn đề quan trọng gắn với thực tiễn của Pháp lệnh Thủ đô hiện có cũng đã tạo cho Hà Nội một điều kiện phát triển. Trong khi đó điều thiếu nhất, quan trọng nhất như một đầu tàu, một động lực là mô hình quản lý một đô thị, trong đó có Thủ đô và cũng đáp ứng yêu cầu cả nước khi chúng ta thấy rằng tỷ trọng của đô thị ngày càng lớn trong toàn bộ nền kinh tế - xã hội đất nước, mà đến bây giờ chúng ta chưa có Luật Đô thị thì điều đó sẽ làm cho tất cả những gì chúng ta xây dựng ngày hôm nay dù to đẹp đến mấy, nhưng nền tảng không vững vàng.

Vì vậy kiến nghị của chúng tôi, một là điều chỉnh, sửa đổi pháp lệnh cho phù hợp với yêu cầu hiện nay, tạo những hành lang pháp lý trước mắt cho Hà Nội phát triển.

Thứ hai là sớm xây dựng Luật Đô thị và nhìn bước đường dài là sửa đổi Hiến pháp để cho Hà Nội có một không gian và hành lang pháp lý thuận lợi hơn, phát triển lâu dài. Nhất là trong thời điểm mà hiện nay trên toàn thế giới vấn đề đô thị đang trở thành vấn đề rất lớn, đang có những chuyển đổi về chất".

"Nhầm lẫn giữa đặc thù và đặc quyền"

Đại biểu Trần Du Lịch - Tp.HCM

"Dự thảo Luật Thủ đô nếu đặt trong khuôn khổ Hiến pháp hiện hành thì đúng như Ủy ban Pháp luật, chúng ta đi không đúng chỗ, không giải quyết được vấn đề. Ở đây chúng ta cần phân biệt, làm rõ vấn đề đặc thù không phải là đặc quyền. Đặc thù có nghĩa là ở nơi đó có đặc điểm như vậy mà nơi khác không có, hiện nay pháp luật chưa cho phép thì cho khai thác cái đó. Nếu nơi nào có điều kiện như vậy cũng được làm thì cái đó là đặc thù.

Còn đặc quyền có nghĩa là nơi khác có như vậy mà không cho thì đó là đặc quyền. Ở đây chúng ta nhầm lẫn giữa đặc thù và đặc quyền tạo nên sự thiếu đồng thuận của nhiều đại biểu Quốc hội. Tôi đề nghị làm rõ vấn đề này.

Tốt hơn hết, tôi nghĩ có lẽ là Quốc hội nên ban hành một nghị quyết có giá trị như luật, trong đó quy định một số chính sách đặc thù để xử lý, giải quyết cho Hà Nội phát triển và chuẩn bị một cách bài bản hơn cho vấn đề xây dựng một thủ đô trên nền tảng phải sửa Hiến pháp. Bởi vì quan trọng nhất giải quyết vấn đề đô thị hiện nay đó là mô hình tổ chức chính quyền đô thị như thế nào trong một cơ chế có phân cấp hay cho địa phương tự quản hay không tự quản. Giải quyết quan điểm rõ ràng thì ta mới làm được".

"Luật Thủ đô chứ không phải Luật Hà Nội"

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc  - Bình Thuận  

"Chúng ta đang bàn ở đây là bàn về Luật Thủ đô, không phải bàn về luật thành phố Hà Nội hay về một đô thị. Vì phạm vi và đối tượng của luật này là bàn về vị trí, chức năng và bộ mặt của Thủ đô, những cơ chế chính sách cụ thể để phát triển Hà Nội với tư cách là một Thủ đô, không phải là một đô thị như các đô thị khác.

Vì thế chúng tôi đề nghị mặc dù cần thiết phải cải cách hệ thống pháp luật để có những luật về chính quyền đô thị hoặc về luật đô thị nói chung, nhưng ở đây chúng ta bàn về Thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Vì thế sẽ khác với các luật về xây dựng đô thị.

Khi bàn về cơ chế chính sách đặc thù, chúng ta không nên chỉ nhấn mạnh rằng những cơ chế chính sách đặc thù tạo quyền tự chủ hơn hoặc đặc quyền hơn cho Thủ đô Hà Nội để phát triển. Chúng ta cũng phải thấy rằng những đặc biệt của Hà Nội là phải chịu sự quản lý và giám sát chặt chẽ hơn từ phía Trung ương so với các địa phương khác. Tôi cho rằng đó cũng là một đặc thù mà trong luật này phải quy định".

"Rất khó!"

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào - Hà Nội

"Tôi cho rằng chúng ta cũng chia sẻ với Bộ Tư pháp bởi vì nội hàm của luật này hẹp mà nó lại liên quan đến một không gian pháp lý rất rộng Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân, luật về tài chính, ngân sách, xây dựng, quy hoạch, môi trường…

Khó thứ hai là chúng ta bàn đến Hà Nội mở rộng, nơi mà còn nhiều người không biết tiếng Việt, tiếng Kinh, còn nhiều người mù chữ, rồi có nông thôn, có trâu, có bò, có đủ bộ mặt của một nông thôn. Rất khó.

Và khó nữa là chúng ta chưa có tiền lệ cho một Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật Việt Nam từ khi Nhà nước này ra đời, từ năm 1945 đến giờ. Cho nên tôi rất chia sẻ với ý kiến trái chiều, tôi coi đó là chuyện bình thường. Nhưng mục đích của chúng ta là phải thông qua hoặc phải xem xét luật này một cách căn cơ".