08:47 24/08/2011

Lương bình quân: Thành thị cao hơn nông thôn 62%

Nam Anh

Giá cả tăng cao đã khiến tiền lương thực tế của lao động giảm đi đáng kể

Tiền lương danh nghĩa tăng ở tất cả các khu vực do tăng lương tối thiểu.
Tiền lương danh nghĩa tăng ở tất cả các khu vực do tăng lương tối thiểu.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2011 của Cục Việc làm, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cho thấy, tiền lương, tiền công trên thị trường lao động hiện vẫn có sự khác biệt khá lớn giữa các khu vực, vùng miền.

Cụ thể, tiền lương bình quân ở thành thị cao hơn 62,3% so với ở khu vực nông thôn. Xét ở góc độ địa lý, vùng Đông Nam Bộ đang có mức tiền lương bình quân cao nhất, cao hơn 54,3% so với vùng có mức lương thấp nhất là duyên hải miền Trung.

Trong khu vực kinh tế phi chính thức, thu nhập bình quân của lao động chỉ bằng 61,2% tiền lương của lao động khu vực sản xuất kinh doanh chính thức.

Báo cáo của cơ quan này cũng cho thấy, tiền lương trong doanh nghiệp phần lớn chưa phản ánh kết quả sản xuất, kinh doanh mà dựa trên kết quả đối thoại, thương lượng.

Hiện, một tỷ lệ lớn lao động làm việc trong khu vực đầu tư nước ngoài có mức lương rất thấp, tốc độ tăng lương chậm, trong khi một số lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước độc quyền có thu nhập rất cao, không phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại diện Cục Việc làm cho rằng, mặc dù tiền lương danh nghĩa có tăng ở tất cả các khu vực do tăng lương tối thiểu, tuy nhiên giá tiền công trên thị trường lao động vẫn đạt thấp. Ngoài ra, do chỉ số giá cả liên tục tăng trong 6 tháng đầu năm đã khiến tiền lương thực tế của lao động giảm đi đáng kể.