10:33 04/08/2014

“Lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu”

Dũng Hiếu

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng lương phải đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trong năm 2015, nếu không tăng lương tối thiểu vùng đạt được ở mức 80% thì năm 2017 không thể đạt mục tiêu lương phải đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động. Điều đó cũng có nghĩa, lộ trình tăng tiền lương tối thiểu vùng sẽ phá sản, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nêu quan điểm.

Thưa ông, căn cứ vào đâu để  Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức lương tối thiểu mỗi tháng vùng 1 của người lao động phải ở mức 3,4 triệu đồng, vùng 2: 2,9 triệu đồng, vùng 3: 2,6 triệu đồng và vùng 4: 2,3 triệu đồng?

Có nhiều lý do nhưng quan trọng nhất là kết quả khảo sát mức sống tối thiểu của người lao động năm 2014 so sánh với tiền lương tối thiểu vùng năm 2014 cho thấy, tiền lương tối thiểu vùng 1 mới đạt 67,6% mức sống tối thiểu; tương tự vùng 2 đạt 70,1%; vùng 3 đạt 70,6% và vùng 4 cũng mới đạt 76,6%.

Như vậy, tiền lương tối thiểu vùng năm 2014 còn thấp hơn 25,4% - 32,4% nhu cầu sống tối thiểu. Chưa kể, thu nhập của người lao động còn thấp, trong khi giá sinh hoạt ngày càng tăng (CPI năm 2013 tăng 6,6%, 6 tháng đầu 2014 tăng 4,77% so với cùng kỳ năm 2013). Điều đó khiến tiền lương thực tế có xu hướng giảm, đời sống người lao động càng khó khăn hơn.

Nhưng phía doanh nghiệp cho rằng, đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là quá cao. Năm tới sẽ tiếp tục là một năm khó khăn nếu mức tăng lương tối thiểu cao thì các doanh nghiệp sẽ siết chặt việc mở rộng kinh doanh, tuyển dụng nhân sự, thưa ông?

Nghị định số 182/2013 của Chính phủ quy định từ 1/1/2014, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp như sau: mức 2.700.000 đồng mỗi tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng 1; mức 2.400.000 đồng áp dụng đối với vùng 2; còn vùng 3 và vùng 4 lần lượt là 2.100.000 đồng và 1.900.000 đồng.

Tuy nhiên tại Tp.HCM và Hà Nội, có những doanh nghiệp khi ký hợp đồng lao động, mức lương đã là 2.900.000 - 3.000.000 đồng/người/tháng. Mức thu nhập này còn có thể lên cao hơn vì có thêm các khoản khác như chuyên cần... Điều này càng chứng tỏ, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng từ 1/1/2014 đã lạc hậu, không theo kịp thực tế.

Ngay trong quý 1 và quý 2 vừa qua, Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã khảo sát 1.500 công nhân tại 60 doanh nghiệp ở 12 tỉnh/thành phố trên cả nước về vấn đề tiền lương, mức sống tối thiểu.

Theo đó, tiền lương trung bình của người lao động, bao gồm cả các loại phụ cấp và làm thêm giờ hiện mới đạt hơn 3,7 triệu đồng/tháng, trong khi mức chi tiêu trung bình cho nhu cầu sinh hoạt hàng tháng của họ (có nuôi con) đã lên tới 4,1 triệu đồng/tháng.

Có tới hơn 13% người lao động cho biết thu nhập của họ hiện không đủ sống, gần 25% phải chi tiêu hết sức tằn tiện và gần 50% cho biết thu nhập chỉ vừa đủ chi trả các sinh hoạt thiết yếu nhất. Chỉ có 12,3% người lao động cho biết có tích lũy nhưng phần lớn trong đó số tiền tích lũy rất nhỏ, chỉ từ 200.000 - 500.000 đồng/tháng.

Ông nghĩ sao nếu đề xuất này không được chấp thuận?

Kết luận số 23-KL/TW của Trung ương về lộ trình “Điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu” là căn cứ quan trọng để thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.

Thực tế cho thấy, tình hình kinh tế-xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó dự báo trước. Do đó, không thể thực hiện tiền lương tối thiểu vùng đạt mức nhu cầu tối thiểu vào năm 2015. Tôi cho rằng, từ nay đến năm 2017 cần có lộ trình để thực hiện.

Lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ năm 2015 đến 2017 như sau: năm 2015: phương án 1 đạt 80%, phương án 2 đạt 83% nhu cầu sống tối thiểu vùng; tương tự năm 2016 đạt 90% và năm 2017 đạt 100%.

Nếu trong năm 2015, chúng ta không tăng lương tối thiểu vùng đạt được ở mức như phương án 1 (80%) thì năm 2017 không thể đạt được ở mức 100%, nghĩa là đạt mục tiêu lương phải đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động. Điều đó cũng có nghĩa, lộ trình tăng tiền lương tối thiểu vùng sẽ phá sản.