10:36 24/11/2014

Mất điện ở Tân Sơn Nhất: “Không loại trừ khả năng có phá hoại”

Đinh Tịnh

Liên tiếp các sự cố hàng không xảy ra và chỉ có may mắn mới tránh được những vụ tai nạn gây chấn động

Hiện mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất có gần 300 lượt máy bay cất/hạ cánh - Ảnh: GTVT.<br>
Hiện mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất có gần 300 lượt máy bay cất/hạ cánh - Ảnh: GTVT.<br>
“Không có lý do gì có tới ba nguồn điện để phục vụ điều hành bay mà mất cả ba”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh khi nói về sự cố mất điện tại đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất, hôm 20/11 vừa qua.

“Chắc chắn có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan và không loại trừ khả năng có sự phá hoại. Sự cố này là rất nghiêm trọng, cần xử lý thật nghiêm và điều tra làm rõ”, ông Thăng nhìn nhận trước sự cố được cho là quá hy hữu, chưa từng xảy ra trên thế giới..

Theo Bộ trưởng, tất cả những người có liên quan phải được xác định rõ trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Ở đây không chỉ là vấn đề kinh tế, uy hiếp trực tiếp đến an ninh hàng không mà còn ảnh hưởng đến cả hình ảnh, thương hiệu của đất nước.

Để nâng cao chất lượng điều hành bay, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tổ chức thi tuyển chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Quản lý bay (VATM), bởi công tác này hiện đang có nhiều vấn đề, đòi hỏi cần phải thay đổi công tác quản lý chất lượng và quản lý bay.

“Hiện theo báo cáo trong hoạt động quản lý bay thì chất lượng thì rất thấp, cả về trình độ chuyên môn lẫn kỹ năng”, Bộ trưởng nhận định.

“Quá nhiều vấn đề”

Trước đó, liên tiếp các sự cố hàng không xảy ra và chỉ có may mắn mới tránh được những vụ tai nạn gây chấn động. Đầu tiên là việc máy bay Airbus A321 của Vietnam Airlines suýt va vào trực thăng quân sự vào ngày 29/10. Chỉ ba tuần sau, là sự cố mất điện hơn một tiếng tại đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 20/11.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh khẳng định đây là các sự cố đặc biệt nghiêm trọng, gây mất an toàn, vì thế phải nghiêm túc khắc phục, không thể để xảy ra lần hai. Vì an toàn hàng không luôn là ưu tiên số một, là sống còn của ngành hàng không.

Tại sự cố ngày 29/10, hai máy bay suýt va vào nhau, ông Thanh cho biết, theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân trực tiếp là do nhân viên kiểm soát viên không lưu làm hiệp đồng lơ là.

Trong ca trực ngày 29/10, kiểm soát viên hiệp đồng có nhiệm vụ làm cầu nối giữa người trực chỉ huy của bên dân dụng và chỉ huy quân sự cùng ngồi điều hành trong ACC/HCM. Trong đó, điều hành bay dân dụng trao đổi với phi công bằng tiếng Anh, điều hành bay quân sự trao đổi với phi công quân sự bằng tiếng Việt. Nhưng do không tập trung, nên kiểm soát viên hiệp đồng đã không nghe thấy huấn lệnh cho chuyến bay VN1376 của Vietnam Airlines cất cánh để thông báo cho người trực chỉ huy quân sự, dẫn đến tình huống máy bay Mi127 của Quân chủng Phòng không - Không quân cũng được lệnh cất cánh.

Trong bản tường trình, kiểm soát viên trực hiệp đồng đã thừa nhận sai sót nói trên.

Cục trưởng Lại Xuân Thanh thừa nhận: “Qua đánh giá nội bộ của VATM để tiến hành huấn luyện lại nguồn lực thì chất lượng kiểm soát viên không lưu của chúng ta có quá nhiều vấn đề. Tỷ lệ trung bình, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ này vẫn chiếm rất cao. Cụ thể, qua đánh giá nội bộ của VATM thì có 40% kiểm soát viên năng lực trung bình yếu, trong đó 8% là yếu xét theo nhiều tiêu chí”.

Liên quan đến sự cố mất điện tại đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất, ông Thanh nói: “Đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng. Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu VATM tạm thời đình chỉ nhân viên kỹ thuật, kíp trưởng kíp trực nguồn điện để phục vụ công tác điều tra sự cố. Cục Hàng không cũng đã thành lập đoàn điều tra sự cố để tổ chức xác minh, điều tra, làm rõ nguyên nhân, đề xuất các biện pháp để đảm bảo an toàn hoạt động bay”.

“Sự cố trưa 20/11 khiến 54 chuyến bay bị ảnh hưởng, các chuyến bay xuất phát từ Tân Sơn Nhất đã phải hoãn, trong khi những chuyến bay đến cũng phải chuyển hướng hạ cánh vì đài chỉ huy không lưu tại đây bị mất điện. Hiện Cục đang tập trung giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, còn mức độ thiệt hại về kinh tế sẽ yêu cầu làm rõ và báo cáo trước ngày 29/11”.

Đình chỉ thêm 3 nhân sự


Hôm 23/11, VATM đã ban hành quyết định đình chỉ thêm 3 người liên quan đến sự cố mất điện tại đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, các ông Trần Công, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật; ông Lê Văn Tính, Trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật và ông Nguyễn Quốc Phú, Phó trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật bị đình chỉ trong thời gian 15 ngày để kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố.

Trước đó, ngày 21/11, VATM đã quyết định đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày để phục vụ việc điều tra sự cố đối với ông Lê Trí Tình, kíp trưởng và ông Phạm Văn Dũng, nhân viên kíp trực điện nguồn thuộc Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật.