16:20 12/04/2013

Mặt trái của tấm huy chương ngân sách

Đoàn Trần

“2011 là một năm rất khó khăn, tôi không ngờ là chúng ta không những đạt mà còn vượt kế hoạch thu ngân sách”

Thu ngân sách Nhà nước 2011 tuy tăng cao nhưng chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế, nguồn thu cũng chưa thực sự vững chắc.
Thu ngân sách Nhà nước 2011 tuy tăng cao nhưng chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế, nguồn thu cũng chưa thực sự vững chắc.
“2011 là một năm rất khó khăn, tôi không ngờ là chúng ta không những đạt mà còn vượt kế hoạch thu ngân sách”, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói. Tuy nhiên, về thành tích này, cũng như các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác, ông Giàu tỏ vẻ khá băn khoăn.

Ngày 10/4/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011. Các con số thu, chi từ báo cáo của Chính phủ, đã phản ánh nhiều điều, trong đó có nói lên được phần nào về sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Theo đó, trong khi thu từ doanh nghiệp nhà nước giảm hàng nghìn tỷ đồng so với dự toán, trong khi, thu từ sản xuất, kinh doanh ngoài quốc doanh, thu từ khối doanh nghiệp FDI tăng hàng nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Cụ thể, thu từ doanh nghiệp nhà nước dự toán 129.560 tỷ đồng, quyết toán 126.418 tỷ đồng, giảm so với dự toán 3.142 tỷ đồng. Các lý  do dẫn đến việc giảm thu từ khối doanh nghiệp nhà nước, được Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh dẫn giải là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước năm 2011 gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng tăng và tỷ giá ngoại tệ tăng, dẫn đến chi phí sản xuất kinh doanh tăng, hàng tồn kho lớn. Bên cạnh đó nhà máy lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động để sửa chữa lớn, khiến giảm thu ngân sách nhà nước so với dự toán.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia, có vốn đầu tư trên 3 tỉ USD, được kỳ vọng khi đi vào hoạt động, với công suất 6,5 triệu tấn/năm, sẽ đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu cả nước. Tuy nhiên, mới vận hành chỉ được một thời gian ngắn, nhà máy này đã phải ngừng sản xuất và sửa chữa liên tục, đã trở thành một vấn đề làm Quốc hội, các chuyên gia kinh tế cũng như dư luận nhiều băn khoăn.

Cũng một bối cảnh sản xuất kinh doanh khó khăn, nhưng, thu từ sản xuất kinh doanh ngoài quốc doanh, thu từ khối doanh nghiệp FDI vẫn tăng. Như thu từ sản xuất, kinh doanh ngoài quốc doanh, dự toán 80.380 tỷ đồng, quyết toán 84.503 tỷ đồng, tăng 5,1% so với dự toán. Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể thu từ dầu thô), dự toán 72.865 tỷ đồng, quyết toán 77.076 tỷ đồng, tăng 5,8% so với dự toán.

Thu từ các doanh nghiệp nhà nước giảm đi, nhưng chi từ ngân sách nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương... và tất nhiên cũng không thể thiếu phần của các doanh nghiệp nhà nước trong đó, vẫn tăng mạnh khi vượt 8,5% so với dự toán và tình trạng lãng phí ngân sách nhà nước vẫn là phổ biến.

Dẫn ra ví dụ ở lĩnh vực chi đầu tư phát triển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho hay qua kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát cho thấy, số dự án triển khai dở dang, chậm tiến độ khá nhiều, các vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản đều xảy ra ở tất cả các khâu từ quy hoạch cho đến quyết toán công trình, hiệu quả chi đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn chế, gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. Đó là còn chưa kể việc sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức... đều có chiều hướng gia tăng.

Như vậy, mới chỉ nhìn qua thái độ thu chi ngân sách nhà nước, cũng có thể thấy rằng, sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế là một chủ trương mà phải mất khá nhiều thời gian nữa mới có thể đi vào cuộc sống.

Nói như chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, mặc dù dự thảo Hiến pháp, dự thảo các Nghị quyết của Đảng đã bắt đầu nói đến câu chuyện bình đẳng giữa các khu vực, thành phần kinh tế khác nhau. Nhưng trên thực tế, không thể tránh khỏi việc chúng ta sẽ vẫn tiếp tục bị buộc phải sử dụng các doanh nghiệp Nhà nước để thực hiện các dự án kinh tế của nhà nước, dự án kinh tế công. Nếu chúng ta không thấy được đầy đủ hậu quả của các quan niệm kiểu như doanh nghiệp Nhà nước phải được coi như là những đứa con cưng, thì cùng với thói quen cũ, sự phân biệt đối xử giữa các khu vực kinh tế khác nhau vẫn sẽ xuất hiện trở lại.

Và mặt trái của tấm huy chương thành tích trong thu ngân sách nhà nước năm 2011, đã được Chủ  nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển chỉ rõ trong báo cáo thẩm tra về tình hình này.

Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2011 là 962.982 tỷ đồng, vượt 126.804 tỷ đồng (21,3%) so với dự toán được Quốc hội giao, tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ (phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước 7-8% so với dự toán đã được Quốc hội phê duyệt).

Thu ngân sách Nhà nước vượt cao so với dự toán, thể hiện công tác lập dự toán chưa sát với thực tế phát sinh, phần nào ảnh hưởng tới công tác chỉ đạo, điều hành ngân sách Nhà nước. Đây là tồn tại từ nhiều năm mà Quốc hội đã có ý kiến nhưng hầu như không khắc phục được.

Số thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố khách quan, chiếm tỷ trọng lớn là do giá cả tăng, việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu và tăng thu các khoản về nhà, đất. Yếu tố từ sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số tăng thu.

Điều đó phản ánh thu ngân sách Nhà nước tuy tăng cao nhưng chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế, nguồn thu cũng chưa thực sự vững chắc.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc có đặt thêm câu hỏi rằng: “Tăng thu lớn nhờ các dự án chuyển đổi sử dụng đất- không biết là ưu điểm hay khuyết điểm? Bởi vì hiện nay chủ trương của chúng ta là cần hạn chế rất thấp việc chuyển đổi đất nông nghiệp, nhưng nếu cho rằng tăng thu nhờ đất cũng như là một thành tích thì không khác nào tạo động lực cho các địa phương đua nhau chuyển đổi đất!”.