09:45 04/05/2015

Mặt trận đề nghị trưng cầu ý dân: “Nét độc đáo” của Việt Nam

Nguyễn Lê

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào danh sách chủ thể được đề nghị trưng cầu dân ý

Chính phủ đề nghị rà soát để bổ sung quyền đề nghị trưng cầu ý dân vào nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chính phủ đề nghị rà soát để bổ sung quyền đề nghị trưng cầu ý dân vào nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bên cạnh Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng được nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào danh sách chủ thể được đề nghị trưng cầu dân ý.

Đây là thông tin tại báo cáo giải trình, tiếp thu, ý kiến của Chính phủ và các bộ ngành về dự án Luật Trung cầu ý dân của Hội Luật gia Việt Nam, nằm trong hồ sự dự án luật này, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Tổng hợp ý kiến từ Chính phủ và các bộ ngành hữu quan, cơ quan trình dự án luật - Hội Luật gia Việt Nam - cho biết có hai ý kiến của Tòa án Nhân dân Tối cao và Bộ Ngoại giao đề nghị cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, bao gồm: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, để đảm bảo thống nhất với quy định tại khoản 1 điều 19 Luật Tổ chức Quốc hội.

Trong khi đó, có đến 5 ý kiến của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho rằng ngoài bốn chủ thể trên, nên quy định theo phương án bổ sung Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đề nghị trưng cầu ý dân.

“Đối với Việt Nam, việc quy định Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị trưng cầu ý dân sẽ là một nét độc đáo, phù hợp với điều kiện Việt Nam", Hội Luật gia dẫn lại ý kiến của các cơ quan nêu đề nghị.

Văn bản tập hợp góp ý về dự án luật cũng cho thấy lập luận cụ thể của từng cơ quan về đề nghị bổ sung nói trên.

Theo Chính phủ thì quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội không cản trở Luật Trưng cầu ý dân bổ sung Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt  Nam có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, vì luật này là luật chuyên ngành nên có thể mở rộng chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân.

Chính phủ cũng đồng thời đề nghị rà soát để bổ sung quyền đề nghị trưng cầu ý dân vào nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) đang soạn thảo, để tạo sự đồng bộ giữa các luật.

Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng đều cho rằng, quy định Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đề nghị trưng cầu ý dân là phù hợp với quy định tại khoản 1 điều 9 của Hiến pháp: "… Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội…”.

Việc quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền kiến nghị trưng cầu ý dân sẽ tạo thêm một kênh thông tin quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề trưng cầu ý dân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò phản biện xã hội, giám sát của mình, Bộ Nội vụ lập luận.

Nằm trong số ít các bộ có quan điểm khác, Bộ Ngoại giao  cho rằng có thể cân nhắc quy định Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ tham vấn ý kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi quyết định đề nghị trưng cầu ý dân.