07:53 22/05/2015

Mặt trận giám sát Đảng là “rất bình thường”

Nguyễn Lê

Vẫn còn ý kiến khác nhau về việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc với tổ chức Đảng và đảng viên

Đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng, quyền của Mặt trận được quy định trong dự án luật là tham gia xây dựng Đảng, muốn tham gia xây dựng Đảng tốt thì phải thực hiện chức năng giám sát.<br>
Đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng, quyền của Mặt trận được quy định trong dự án luật là tham gia xây dựng Đảng, muốn tham gia xây dựng Đảng tốt thì phải thực hiện chức năng giám sát.<br>
Về mặt lý luận thì Đảng lãnh đạo đối với Mặt trận, nhưng cũng là thành viên của Mặt trận thì phải chịu sự giám sát của Mặt trận, đại biểu Nguyễn Thái Học góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chiều 21/5 tại Quốc hội.

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên, phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng.

Các ý kiến tán thành quy định này cho rằng cần bổ sung một chương hoặc điều riêng quy định về mối quan hệ giữa Mặt trận với Đảng, tham gia xây dựng Đảng.

Bởi vì, trong một số văn kiện của Đảng cũng đã xác định Mặt trận có trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng và Đảng phải có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Loại ý kiến thứ hai tán thành việc dự thảo luật không quy định vấn đề này, vì cho rằng không phù hợp với nguyên tắc Đảng “lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” được quy định tại điều 4 của dự thảo luật.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc Mặt trận góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân đối với hoạt động của Đảng.

Cần có thời gian để kiểm nghiệm thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, tổng kết việc thực hiện sau đó mới thể chế hóa thành pháp luật.

Tỏ rõ quan điểm quy định Mặt trận giám sát trong luật lần này là cần thiết và phải được quy định cụ thể, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng điều này phù hợp về mặt lý luận và thực tiễn.

“Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu sự giám sát của nhân dân. Như vậy thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với trách nhiệm của mình thực hiện quyền giám sát đối với tổ chức Đảng và hoạt động của đảng viên thì tôi nghĩ rất bình thường”, ông Học nhấn mạnh.

Quyền của Mặt trận được quy định trong dự án luật là tham gia xây dựng Đảng, muốn tham gia xây dựng Đảng tốt thì phải thực hiện chức năng giám sát, đại biểu Học phân tích thêm.

Vị đại biểu này cũng khẳng định, về mặt thực tiễn trong thời gian vừa qua mặc dù luật không quy định, nhưng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham gia giám sát có hiệu quả, có trách nhiệm và góp phần xây dựng Đảng.

Vẫn liên quan đến giám sát, dự thảo luật quy định đối tượng giám sát của Mặt trận Tổ quốc là các cơ quan, tổ chức đơn vị và cá nhân. Nội dung giám sát liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân…

Theo một số vị đại biểu thì quy định như thế này là quá rộng, chỉ nên quy định bắt buộc là khi thông qua dự án quan trọng thì bắt buộc phải có phản biện của mặt trận để đảm bảo quyền và lợi ích của dân.

Giám sát của Quốc hội, của hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực đã gặp khó khăn thì tôi nghĩ việc giám sát của tổ chức Mặt trận cần phải được giới hạn trong những lĩnh vực, trong một phạm vi nào đó để việc thực hiện chức năng giám sát của Mặt trận có hiệu quả hơn, đại biểu Nguyễn Thái Học góp ý.